Cái gì cũng lấy ý kiến sẽ khó khả thi?

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 13/05/2015 07:28 AM (GMT+7)
Chiều 12.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Góp ý về phạm vi trưng cầu ý dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng không phải cái gì cũng đưa ra lấy ý kiến cả nước, như vậy không khả thi...
Bình luận 0

Về những vấn đề có ý kiến khác nhau, trong đó có đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật cho biết: Đa số ý kiến đề nghị chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân. Bởi vì, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước và việc đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nếu quy định quá cụ thể sẽ không bao quát hết được. Nhưng một số ý kiến khác đề nghị dự luật cần phải quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân.

img
Cán bộ, nhân dân phường 9, quận Gò Vấp (TP.HCM) góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Ảnh: HOÀNG TUÁN


Về phạm vi trưng cầu ý dân, đa số ý kiến trong Ban soạn thảo cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân cần được thực hiện trên phạm vi cả nước. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Tuy nhiên, khi góp ý về phạm vi trưng cầu ý dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng không phải cái gì cũng đưa ra lấy ý kiến cả nước, như vậy không khả thi. Ông Sơn đề nghị làm rõ nếu trưng cầu ý dân mà không được nhân dân đồng ý thì có tổ chức lại trưng cầu ý dân hay lấy một lần không được là bỏ luôn. Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, dự luật cần làm rõ giữa sự khác nhau xin ý kiến nhân dân và trưng cầu ý kiến nhân dân, cấp độ xin ý kiến và tính phúc quyết. “Xin ý kiến nhân dân và ý kiến đó mang tính chất tham khảo để Quốc hội quyết định, còn trưng cầu là ở cấp độ cao hơn, người dân đã bỏ phiếu rõ ràng Quốc hội phải quyết theo đa số, không thay đổi được. Nhưng dự luật chưa thể hiện được sự khác nhau này” - ông Hiển nêu.

Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ đã thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó có vấn đề chuyển đổi giới tính. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, dự thảo Bộ luật Dân sự cần bổ sung quy định thể hiện chính sách chung của Nhà nước ta đối với việc chuyển đổi giới tính. Loại ý kiến thứ 2 lại đề nghị, Nhà nước ta không thừa nhận quyền này vì đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy chưa thể lường trước được với chính người có nhu cầu chuyển đổi giới tính và đối với xã hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Nguyễn Văn Giàu, chọn phương án 1 là đúng, tuy nhiên cần lại xem tính nhạy cảm, phức tạp của vấn đề này thế nào để xây dựng luật cho phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem