Cần có “nhạc trưởng” cho du lịch làng nghề

Thứ năm, ngày 27/09/2012 08:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua (26.9), Hội thảo Phát triển làng nghề gắn với du lịch diễn ra tại TP. Nam Định, nhân Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2012.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần nói: “Làng nghề gắn với du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh cũng như đưa làng nghề Việt Nam vươn đến những bước tiến mới”.

Ông Hoàng Hoa Quân - Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL cũng khẳng định: “Phát triển du lịch làng nghề là con đường hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo, quảng bá thương hiệu quốc gia”. Các đại biểu còn khẳng định, du lịch làng nghề là một trong những giải pháp để phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới; du lịch làng nghề nói riêng và du lịch gắn với nông nghiệp nói chung đang trở thành một xu thế quan trọng trong ngành “du lịch xanh” của thế giới mà Việt Nam là nước nhiều tiềm năng...

img
Sản phẩm làng nghề là một tiềm năng lớncủa du lịch Việt Nam.

Theo Hiệp hội Làng nghề, cả nước hiện có khoảng 3.000 làng nghề, trong đó có 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề, sản xuất khoảng 200 loại sản phẩm thủ công. Đời sống người dân làng nghề cao hơn từ 3-5 lần so với sản xuất thuần nông... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động du lịch làng nghề còn nhiều hạn chế. Sản phầm làng nghề Việt Nam tuy nhiều, phong phú nhưng ít sản phẩm có thương hiệu để cả nước và thế giới biết đến...

Các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp để phát triển làng nghề và du lịch làng nghề như: Tăng cường sự đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng hoạt động quảng bá sản phẩm, đặc biệt là nâng cao khả năng “làm du lịch” của người dân và nhà quản lý. Ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho biết, một làng nghề có sản phẩm đặc sắc nếu không có những người có kỹ năng tổ chức các các địa điểm giới thiệu, trình diễn và thuyết trình về các sản phẩm sẽ không thể bán được sản phẩm, đời sống người dân khó có thể nâng cao.

TS Ngô Kiều Oanh cho rằng: “Du lịch làng nghề là một việc làm khó khăn đòi hỏi tầm nhìn lâu dài và một quyết sách mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo vì liên quan đến đông đảo cộng đồng dân cư nông thôn”. Đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nói: “Đã đến lúc phải có tư lệnh trong lĩnh vực phát triển làng nghề gắn với du lịch. Hiện có rất nhiều bộ, ngành tham gia chỉ đạo, quản lý hoạt động này nhưng còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, rành mạch”.

Thứ trưởng Tần chỉ đạo, trước hết cơ quan chuyên môn của Bộ NNPTNT cùng với Tổng cục Du lịch phải xây dựng một kế hoạch hợp tác cụ thể. Nếu phát sinh nhiều vấn đề khó khăn cần báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo cụ thể. Theo ông Tần, hiện làng nghề do Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương phụ trách, nhưng về lâu dài nên giao cho Bộ VHTTDL làm “tổng tư lệnh” vì “suy cho cùng, sản phẩm làng nghề chủ yếu phục vụ cho du lịch”. Trước mắt, các địa phương có làng nghề cần tập trung vào những sản phẩm chủ lực, “làm điểm” để tạo ra những sản phẩm làng nghề mang thương hiệu quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem