Căng thẳng Trung - Nhật chưa hạ nhiệt

Thứ tư, ngày 19/09/2012 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Căng thẳng Trung - Nhật tăng lên một mức độ mới khi ngày 18.9, Bắc Kinh tiếp tục phản đối gay gắt việc hai nhà hoạt động của Nhật Bản đã đặt chân lên một hòn đảo đang là tâm điểm của cuộc tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.
Bình luận 0

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura ngày 18.9 thông báo, hai người Nhật đã đặt chân vào Uotsurijima - hòn đảo lớn nhất trong chuỗi đảo tranh chấp. Hãng tin Nhật Bản Jiji press cho biết, hai người này đến từ đảo lớn Kyushu ở miền Nam, sau đó xuôi bằng một chiếc thuyền nhỏ đến vùng đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Gần như ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18.9 cho rằng việc hai người được cho là công dân Nhật đặt chân lên quần đảo tranh chấp Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông là hành động khiêu khích và bộ này đã có phản đối với phía Nhật Bản.

img
Làn sóng biểu tình chống Nhật Bản lan rộng ở Trung Quốc

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh: "Việc những người cánh hữu Nhật Bản đặt chân trái phép lên quần đảo Điếu Ngư thuộc chủ quyền của Trung Quốc là hành động khiêu khích nghiêm trọng, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản phải có biện pháp hữu hiệu nhằm chấm dứt toàn bộ hành động khiến cuộc xung đột hiện nay trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời, Trung Quốc duy trì quyền thực thi các biện pháp giải quyết vấn đề".

Ngày 18.9, cảnh sát Nhật Bản cho biết đang thẩm vấn công dân nước này là Yuya Fujita, 21 tuổi, bị tình nghi ném 2 quả bom khói vào Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Fukuoka, Tây Nam Nhật Bản. Fujita khai là công nhân xây dựng và là thành viên của một nhóm hoạt động chính trị, đã đầu thú tại một đồn cảnh sát gần hiện trường ngay sau đêm xảy ra vụ việc 17.9.

Trong khi đó, cùng ngày, hàng nghìn người Trung Quốc đã biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản ở thủ đô Bắc Kinh, hô vang các khẩu hiệu yêu nước, kêu gọi tẩy chay hàng Nhật, đồng thời yêu cầu Trung Quốc đòi chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Điếu Ngư. Cũng trong ngày 18.9 đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình tương tự ở các thành phố khác nhân kỷ niệm 81 năm Biến cố Mãn Châu (năm 1931) mà Nhật Bản coi là cái cớ để xâm chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Trong diễn biến khác liên quan cùng ngày, 3 hãng sản xuất ôtô lớn của Nhật Bản đồng loạt tuyên bố ngừng một số hoặc toàn bộ hoạt động của họ ở Trung Quốc. Hãng Honda Motor cho biết đã tạm thời đóng cửa toàn bộ 5 nhà máy ở Trung Quốc sau khi xảy ra biểu tình bạo lực, trong khi Hãng Nissan cũng đóng cửa 2 trong số 3 nhà máy. Hãng Toyota cho biết đã cắt giảm một số hoạt động sản xuất ở Trung Quốc. Những căng thẳng này đang làm quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo xấu đi, trong khi đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai đối tác thương mại lớn với tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương trong năm 2011 đạt 345 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem