Cấp phép, khai thác khoáng sản: Mập mờ, thiếu minh bạch

Thứ tư, ngày 09/10/2013 08:23 AM (GMT+7)
Đó là đánh giá của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo “Quản trị tài nguyên khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?” tổ chức ngày 8.10 tại Hà Nội.
Bình luận 0
Nhiều bất cập trong quản lý

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đánh giá: Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú với khoảng 60 loại khoáng sản ở tại hơn 5.000 mỏ, điểm quặng. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản, việc quản trị tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều bất cập.

Người dân tham gia khai thác titan ở Bình Định.
Người dân tham gia khai thác titan ở Bình Định.

TS Vũ Tiến Lộc chỉ rõ: “Khai thác và xuất khẩu thô tài nguyên vẫn là tình trạng phổ biến, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, tỷ lệ thất thoát cao và để lại nhiều hậu quả đối với môi trường và xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém đó là do sự thiếu minh bạch trong quá trình quản lý, cấp phép, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Những tồn tại, yếu kém này cần sớm được khắc phục nhằm đảm bảo ngành khai khoáng có đóng góp tích cực hơn đối với sự phát triển của đất nước trong tương lai”.

Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận thực trạng trên, và cho rằng: “Sau 14 năm thực hiện Luật Khoáng sản, công tác quản lý khoáng sản vẫn còn những tồn tại hạn chế, số lượng các mỏ khoáng sản, các doanh nghiệp khoáng sản tăng nhanh nhưng hoạt động không có chiều sâu, doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư công nghệ, tổn thất khoáng sản còn lớn, sản lượng khai thác thực tế hàng năm khó kiểm soát”.

Ông Hồ Quốc Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận: “Bình Định có nguồn khoáng sản khá dồi dào với 281 điểm mỏ. Tuy nhiên do lực lượng cán bộ quản lý về môi trường ở cấp cơ sở vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ; sự phối hợp thanh tra, kiểm tra giữa các cấp các ngành chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, bên cạnh đó một số doanh nghiệp vì lợi nhuận chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường nên gây sạt lở, nhiễm mặn nguồn nước, tác động xấu đến môi trường và gây mất trật tự ở nông thôn”.

Sớm ban hành nghị định

Trong thời gian tới, tài nguyên khoáng sản và dầu khí vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với nhận định đó, ông Võ Tuấn Nhân- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất: Chúng ta cần tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn về quản trị tài nguyên khoáng sản trên thế giới, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách pháp luật về quản lý khoáng sản...

“Chế tài xử phạt cần theo hướng tăng mức xử phạt bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn; bổ sung hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép cho một số hành vi, nhất là đối với các hành vi làm tổn thất khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...”.
Ông Lại Hồng Thanh


Đồng tình với quan điểm trên, TS Vũ Tiến Lộc cho biết đã có nhiều giải pháp toàn cầu được triển khai thực hiện, đặc biệt là Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI). EITI đang được xem là công cụ hữu ích để giúp các quốc gia giàu tài nguyên quản lý tốt hơn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo cho ngành khai khoáng có những đóng góp tích cực hơn trong quá trình phát triển.

Để nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản, theo ông Lại Hồng Thanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ TNMT), việc cần thiết là khẩn trương ban hành nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản; hướng dẫn phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...

Đình Thắng (Đình Thắng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem