Cầu nhỏ mang niềm vui lớn về bản xa

Lê San Thứ ba, ngày 08/08/2017 06:29 AM (GMT+7)
Khởi đầu từ đầu năm 2015, tới nay đã có 44 cây cầu thuộc chương trình “Nhịp cầu yêu thương” (do Bộ GTVT phát động) được khởi công, trong đó có 36 cây cầu đã đi vào sử dụng. Những cây cầu nhỏ nhưng có tác dụng an sinh xã hội và cải thiện đời sống hàng ngày của người dân ở khu vực miền núi một cách rõ rệt.
Bình luận 0

Niềm vui trọn vẹn

Giữa tháng 7.2017, cầu treo Thắc Mẹt đi vào hoạt động trong sự phấn khởi của bà con ở xã Văn Sơn, huyện Văn Bàn (Lào Cai). Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây, bởi từ nay việc đi lại học hành của con em và giao lưu hàng hàng hóa được thuận tiện. Cây cầu được xây dựng trong 6 tháng, có chiều dài 110m, tải trọng 2,5 tấn với tuổi thọ công trình hơn 25 năm. Tổng trị giá xây lắp cầu gần 7 tỷ đồng, được cấp từ nguồn vốn xã hội hóa “Nhịp cầu yêu thương” của Bộ GTVT và nguồn kinh phí của tỉnh Lào Cai. Cầu phục vụ việc đi lại bằng xe máy và vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ của người dân địa phương.

img

Có cầu mới, đời sống của bà con ở xã Văn Sơn, huyện Văn Bàn (Lào Cai) có nhiều thuận lợi.  Ảnh: N.L

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát, nghiên cứu điều chỉnh để tiết kiệm tối đa chi phí. Khi điều chỉnh, giá thành để xây cầu treo tiết kiệm hơn, cùng một lượng tiền đó sẽ làm được nhiều cầu hơn, tiết kiệm được khoảng 20% so với dự toán. Cứ 4 cầu tiết kiệm được chi phí có thể làm thêm được một cầu mới”.

Ông Nguyễn Trung Sỹ  

Bao năm nay, 88 hộ dân 2 thôn Xuân Nam, Xuân Tiến vẫn đi lại vào bằng cây cầu tạm. Nhưng mùa nắng thì đỡ, đến mùa mưa bão ai cũng lo lắng. Tháng 8.2016, do ảnh hưởng cơn bão số 3, cầu Thác Mẹt bị gãy khiến việc đi lại của nhân dân xã Văn Sơn - trực tiếp là 2 thôn Xuân Nam, Xuân Tiến bị tê liệt hoàn toàn. Chị Hoàng Thị Thao (thôn Xuân Nam) cho hay: “Đợt đấy lũ về lớn lắm, cuốn trôi cả cầu. Thôn bị cô lập, người dân không thể ra ngoài đượ, chính quyền xã phải dùng đò làm phương tiện di chuyển cho bà con. Ròng rã như vậy mấy tháng trời, vất vả lắm. Có cầu mới thế này thuận lợi vận chuyển ngô, sắn, lúa... Giờ có cầu đàng hoàng rồi, an toàn rồi, trời mưa to bao nhiêu chúng tôi cũng yên tâm đi qua”.

Để hoàn thành sớm cây cầu, người dân xã Văn Sơn cũng đã hiến trên 1.000m2 đất ruộng làm 2 bên mố cầu. Ông Hoàng Văn Quý (70 tuổi), cho hay: Sống ở đây cả đời người rồi, tôi rất mừng vì cây cầu mơ ước bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Từ nay, người dân sẽ thuận lợi trong việc vận chuyển, mua bán nông sản. Ở đây có bãi bồi trồng ngô, sắn tốt lắm, bán cũng được giá nhưng ngặt cái đường xá không thông nên không làm sao vận chuyển ra ngoài được để bán. Nay có cầu rồi, cuộc sống và làm ăn sẽ đỡ khó khăn hơn. Chúng tôi muốn đi lại thăm hỏi con cháu sống ngoài xã cũng dễ dàng hơn”.

Thêm nhiều cây cầu “nối những bờ vui”

Cầu Thắc Mẹt chỉ là một trong 36 chiếc cầu từ chương trình “Nhịp cầu yên thương” đã được đưa vào sử dụng, giúp cho người dân ở miền núi thuận lợi trong cuộc sống và sản xuất, kết nối với miền xuôi thuận lợi hơn. Theo ông Nguyễn Trung Sỹ - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), đầu năm 2015, Bộ GTVT đã phát động chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay góp tiền, góp cầu vì bà con vùng khó.

“Mỗi một cây cầu được xây dựng lên sẽ làm giảm đi cảnh “đò giang cách trở” của người dân vùng sâu, vùng xa. Và qua thực tế, những cây cầu này vô cùng hiệu quả, ý nghĩa đối với bà con dân tộc miền núi, giúp cho việc đi lại của bà con an toàn hơn, nông sản cũng ra chợ nhanh hơn. Trẻ em không phải nghỉ học những hôm có mưa lũ. Nhiều thôn bản, khi chúng tôi quay lại đã thấy rất nhiều hộ gia đình mua được xe máy, đưa được vật liệu về để làm nhà khang trang” – ông Sỹ cho hay.

Trên thực tế, các thôn, bản nghèo của nước ta đang cần khoảng 5.000 chiếc cầu dân sinh.  Ngoài việc phát động chương trình “Nhịp cầu yêu thương” kêu gọi nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… đóng góp xây dựng cầu dân sinh cho các thôn, bản nghèo, Bộ GTVT đã ký với Ngân hàng Thế giới (WB) về vay vốn để xây 2.300 cây cầu dân sinh trong giai đoạn 2017-2020. Về nguyên tắc phân bổ nguồn vốn, ông Sỹ khẳng định, hiện công tác rà soát cụ thể các vị trí xây cầu đang được tiến hành nên đến nay chưa xác định phân bổ cụ thể số cầu cho từng tỉnh. Tuy nhiên, việc phân bổ sẽ tính toán theo nguyên tắc 20% vốn cho hợp phần cầu được phân bổ đều cho các địa phương, sau đó 80% được chia tiếp cho các tỉnh dựa trên 5 tiêu chí như: Thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ đói nghèo, tỷ lệ người dân tộc thiểu số... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem