CEO 4.0 và những dự án tỷ USD

Lê Thúy (ghi) Thứ hai, ngày 17/06/2019 06:11 AM (GMT+7)
Đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những CEO công nghệ đang có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Có không ít CEO công nghệ đã và đang tạo được những “ấn tượng” rõ nét trong trong thập kỷ công nghệ 4.0 tại các doanh nghiệp lớn như CEO Lê Hồng Minh của VNG hay CEO Lê Hồng Việt và triết lý “bị tụt hậu thì chẳng khác nào tự sát”.
Bình luận 0

Từ game thủ tới ông chủ VNG

VNG Corporation (trước đây là VinaGame) sau hơn 10 năm từ một start-up non trẻ trong lĩnh vực game online nay đã trở thành "kỳ lân" tỷ USD tại Việt Nam, gia nhập hàng ngũ những tập đoàn công nghệ hàng đầu với những thương hiệu nổi tiếng như Zalo, Zing.vn... Trong đó, Zalo là sản phẩm ấn tượng nhất của VNG với 70 triệu người dùng.

img

Người đứng phía sau những thành công ngoạn mục này là Lê Hồng Minh, một "con nghiện game" theo đúng nghĩa đen từ thời sinh viên. Vị doanh nhân này đã viết nên câu chuyện khởi nghiệp thú vị của mình từ ý tưởng “làm điều khác biệt, những việc tưởng chừng không thể tưởng tượng được”. Khiêm tốn nhưng hài hước và tràn đầy cảm hứng sống là cảm nhận của bất kỳ ai từng tiếp xúc với Lê Hồng Minh.  Từng theo học ngành tài chính ngân hàng tại Australia. Công việc đầu tiên của Lê Hồng Minh là làm ca đêm tại cửa hàng 7-Eleven tại Melboure (Úc) khi còn đang là sinh viên. 

Sau khi tốt nghiệp, CEO Lê Hồng Minh trở về nước với công việc đầu tiên là nhân viên ở PWC (PricewaterhouseCoopers, hay còn gọi là PwC, là 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay cùng với Deloitte, Ernst & Young và KPMG), và sau này là VinaCapital. Tuy nhiên, tình yêu dành cho game không hề giảm sút. Năm 2002, CEO Lê Hồng Minh từng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự World Cyber Game tại Hàn Quốc.

“Tôi đã tham gia hội chợ World Cybergames tại Hàn Quốc vào năm 2002. Sau khi quay về, tôi cùng vài người bạn thành lập một phòng chơi game nhỏ vào đầu năm 2003 chỉ để chơi game và làm một vài dịch vụ kinh doanh kèm theo. Vì vậy công việc ban ngày của tôi là một nhân viên tín dụng ngân hàng và công việc ban đêm của tôi là một người chủ tiệm cafe Internet. Đó là khởi điểm công việc kinh doanh của chúng tôi. Tôi đã không hẳn chỉ ngồi tại văn phòng và đột nhiên xây dựng nên VNG”- ông Minh cho biết.

Chỉ 2 năm sau, Lê Hồng Minh lập nên VinaGame với 5 thành viên mang theo tham vọng khai thác mảnh đất màu mỡ game online tại Việt Nam. Ngay lập tức, VinaGame đã tăng trưởng đột phá và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường game online Việt Nam. Hiện “đế chế” của CEO Lê Hồng Minh là ngôi nhà chung của hơn 2.500 nhân viên.

img

Cựu CEO Facebook “đầu quân” cho Go - Viet vì công việc thú vị khó tìm

Là một trong những CEO 4.0 thuộc thế hệ đầu 8X, Lê Diệp Kiều Trang nằm trong danh sách CEO có tiếng “nhảy việc” trong năm 2018 như cựu Giám đốc Microsoft Việt Nam Vũ Minh Trí, cựu Giám đốc Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng…

Bà Lê Diệp Kiều Trang sinh năm 1980 trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Ông Lê Văn Trí, cha bà, là cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Miền Nam (Casumina, mã: CSM), trong khi người anh Lê Trí Thông hiện là Phó Chủ tịch Công ty PNJ.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh ở MIT, Lê Diệp Kiều Trang đầu quân cho Tập đoàn Tài chính Mc Kinsey, văn phòng tại Boston với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính.

Tháng 1/2014, bà Kiều Trang nghỉ việc tại McKinsey để về phụ trách nhân sự và tài chính cho Công ty Misfit Wearables (chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe) do chồng cô (ông Sony Vũ) và những người khác - trong đó có cựu CEO Apple John Sculley - đồng sáng lập. Ý tưởng thành lập Misfit Wearables của chồng cô và ông John Sculley đã khiến cô quyết định từ bỏ công việc tại McKinsey, vốn được xem là ước mơ của nhiều người. Công ty này sau đó được Fossil Group, tập đoàn chuyên về đồng hồ thời trang của Mỹ, mua lại với giá 260 triệu USD vào cuối năm 2015. Sau thương vụ, Kiều Trang giữ chức Giám đốc Fossil Việt Nam và chồng cô giữ chức Giám đốc Công nghệ.

Tới tháng 3/2018, bà Lê Diệp Kiều Trang tiếp nhận vị trí Giám đốc Facebook Việt. Tuy nhiên, ngày 5/12/2018, chia sẻ thông tin trên trang Facebook cá nhân bằng hai ngôn ngữ: Tiếng Việt và tiếng Anh, bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) công bố sẽ rời khỏi vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam vào cuối năm nay vì lý do không thu xếp được công việc gia đình.

Thật bất ngờ bến đỗ tiếp theo của Lê Diệp Kiều Trang lại là một hãng xe công nghệ mang tên Go – Viet trên cương vị tân tổng giám đốc. Go – Viet được thành lập bởi Go-Jek, start-up kỳ lân lớn nhất Indonesia.

Trên cương vị tân Tổng giám đốc của Go – Viet, CEO Lê Diệp Kiều Trang sẽ dẫn dắt công ty trong giai đoạn tiếp theo. CEO 4.0 này cho biết đây là một công việc thú vị khó tìm. Phát biểu khi nhận chức Tổng giám đốc Go – Viet, bà Lê Diệp Kiều Trang nói: "Nhìn thấy thành công của nền tảng đa dịch vụ Gojek làm thay đổi sâu sắc đời sống tại Indonesia, tôi cũng mong nhìn thấy những thành công này tại Việt Nam. Tôi tin Go-Viet sẽ đem đến ảnh hưởng tích cực, rộng khắp đến hàng triệu khách hàng, đối tác tài xế và nhà cung cấp dịch vụ trên các lĩnh vực khác nhau. Trong thế giới công nghệ tại thời điểm này, thật khó có thể tìm thấy công việc nào thú vị hơn".

img

CEO Lê Hồng Việt và triết lý “bị tụt hậu thì chẳng khác nào tự sát”

Giám đốc Công nghệ (CTO) kiêm Chủ tịch Hội đồng công nghệ FPT Lê Hồng Việt gia nhập FPT để thỏa mãn đam mê công nghệ khi được trực tiếp tham gia những “trận đánh lớn” của FPT với nhiều tập đoàn đa quốc gia và được tín nhiệm đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như: Giám đốc Công nghệ của FPT châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc Công nghệ của GNC...

CEO Lê Hồng Việt là một trong những người đặt nền móng cho việc ứng dụng và phát triển những công nghệ mới tại FPT như: Điện toán đám mây (Cloud Computing), Enterprise Mobility, Big Data... góp phần đưa các sản phẩm công nghệ của Việt Nam đi khắp toàn cầu như: Công nghệ Voice Search được ứng dụng cho hãng truyền hình vệ tinh lớn nhất nước Mỹ (với hơn 37 triệu người dùng trên toàn thế giới), CloudTV platform cho tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản… Tuy nhiên, trong quá trình công tác, “mối lương duyên” với FPT của vị CEO trẻ tuổi này “đứt gánh” vào năm 2011 khi Lê Hồng Việt rời FPT Softwarevà trở thành giám đốc điều hành Công ty cổ phần Smart OSC và Công ty cổ phần Obis. Tuy kết quả điều hành của 2 doanh nghiệp này không tệ nhưng hơn 1 năm sau, Lê Hồng Việt “kết hôn lại” với FPT Software vì lý do rất đơn giản đam mê công nghệ đã ăn sâu vào máu.

Cũng phải nói thêm rằng, niềm đam mê công nghệ của Lê Hồng Việt được bộc lộ ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông trung học. Việt chính là 1 trong 9 người Việt Nam giành được HCV của các kỳ thi Olympic Quốc tế về Tin học trong giai đoạn từ năm 1989 - 2012.

Tốt nghiệp PTTH, để tiếp tục theo đuổi đam mê công nghệ, năm 1999 Việt được tuyển thẳng vào ĐHQG Hà Nội ngành công nghệ thông tin. Sau kỳ thứ nhất đại học, Việt xin được học bổng và theo học chuyên ngành phần mềm tại Đại học Sydney (Úc). Ra trường với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành phần mềm được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Thế nhưng, CEO Lê Hồng Việt lại chọn đầu quân cho FPT với mức lương khoảng 3 triệu đồng. Đổi lại, CEO Việt từ chối nhiều lời đề nghị của các công ty nước ngoài với mức lương vài trăm triệu USD/tháng.

Với CEO Lê Hồng Việt, việc tiếp thu và chia sẻ kiến thức với những người khác là tối quan trọng, vì khi không được nhận hoặc không tiếp nhận được những kiến thức chia sẻ của người khác, “mình sẽ ngay lập tức bị tụt hậu, mà trong thế giới công nghệ bị tụt hậu thì chẳng khác nào tự sát”.

Đồng thời, để không ngừng nâng cao năng lực công nghệ đồng thời nuôi dưỡng tình yêu với công việc, vị giám đốc công nghệ này luôn quan niệm cần phải ra chiến trường, tham gia các trận đánh lớn. “Nếu không có điều kiện để tham gia trực tiếp thì đành bắt chước bác Tố Hữu đi nghe anh em ở mặt trận về kể chuyện. Tuy nhiên, để ra trận mà không chết thì cũng phải tự trang bị kiến thức cho mình trước đã”- CEO Lê Hồng Việt ví von.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem