Cha mẹ hối hận khi biết vì sao con… mất khôn

Tùng Anh Thứ hai, ngày 11/05/2015 15:19 PM (GMT+7)
Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 40 cây số nhưng một bộ phận không nhỏ phụ nữ ít học ở các xã nghèo huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn mơ hồ về kiến thức sinh sản. Hệ quả của sự thiếu hiểu biết trầm trọng ấy là một thế hệ măng non ốm đau bệnh tật triền miên, yếu kém cả về thể chất và trí tuệ.
Bình luận 0

Con động kinh chỉ vì mẹ thiếu hiểu biết?

So vai ngồi ôm con với ánh mắt ngơ ngác ở trạm y tế xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chị Tạ Thị H. (xã Bắc Sơn, Sóc Sơn) làm đủ mọi trò để con gái 3 tuổi Đỗ Thanh H. nín khóc vào khám bệnh. Nhưng dù thế nào, cô bé vẫn gào hét, ú ớ những câu nói vô nghĩa.

Nhìn khuôn mặt trắng bệch, đôi mắt vô cảm, phần da phía sau cổ loang lổ vết chàm đen của cô bé, không ít người xót xa…

img
Bé Đỗ Thanh H. cùng mẹ Tạ Thị H. đi khám sức khỏe 

 

Chồng vừa mất, người mẹ nghèo phải cáng đáng mọi việc với số tiền tằn tiện kiếm được từ làm ruộng, làm may. Hôm 7/5, nghe tin các bác sĩ trạm y tế xã Phù Linh phối hợp với Hội người khuyết tật Hà Nội và các chuyên gia Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức khám miễn phí cho trẻ em nghèo bị khuyết tật quanh vùng, chị vội vàng đưa con đến.

Chị H. đã là mẹ của ba đứa trẻ. Đứa đầu không may chết đuối. Đứa thứ hai bị động kinh vì hồi nhỏ chị cho con uống quá liều vitamin A, vì “tưởng càng uống nhiều càng tốt!”.

Chị kể: “Hồi mang bầu cháu H.- đứa con thứ ba, tôi bị cúm dai dẳng, không hay biết virus cúm hay các loại virus khác có thể gây dị tật cho con, nhất là khi mình bị nhiễm virus cúm ở giai đoạn đầu. Sinh con 2 ngày thì cháu bị vàng da, không được chữa trị kịp thời. Sau quan sát thấy con phát triển không bình thường, tôi hớt hải đưa con đi khám thì bác sĩ kết luận con bị thiểu năng trí tuệ, bị hội chứng down do biến đổi nhiễm sắc thể…”.

Từ khi con chào đời, chị và hai con đã phải làm bạn với bệnh viện, ròng rã hết Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến Bệnh viện Nhi T.Ư…

Chẳng mấy khi được khám chữa bệnh miễn phí, bé Tạ Quang T. (4 tuổi) được mẹ đưa đến trạm y tế xã từ sớm. T. ngồi im trong lòng mẹ, không bày tỏ bất cứ cảm xúc gì. Theo chị Trương Thị O.- mẹ T., cháu bị đục thủy tinh thể, khiếm thính nên gần như không thể giao tiếp với thế giới bên ngoài, chưa kể cháu còn mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác là thoát vị bẹn, tim bẩm sinh…

“Hồi mang thai, tôi bị sốt rubella. Tôi không biết virus rubella có khả năng gây dị tật cao và nguy hiểm như thế. Nếu biết trước và đi khám thai định kỳ, có lẽ tôi đã nhận được những lời khuyên kịp thời từ bác sĩ sản khoa” – chị O. nói.

img
Chị Trương Thị O. (áo đỏ) trò chuyện với bé T. trước giờ khám 

 

Xót xa hơn là trường hợp bé Đỗ Văn P., năm nay đã 11 tuổi mà vóc dáng không nhỉnh hơn đứa trẻ lớp 1 là bao.

Ngày mang bầu, chị Nguyễn Thị V.- mẹ P. dù thấy thai không động cựa gì cũng không mảy may suy nghĩ hay có ý định đi khám thai trước sinh. Cả năm lam lũ gánh gạch thuê, đầu tắt mặt tối, người mẹ nghèo ấy chẳng phân biệt được thai yếu hay thai khỏe.

Sinh con ra, đợi mãi không thấy con lẫy, chị tá hỏa đưa con đi khám mới biết con trai bị bại não, liệt xương, phát triển không bình thường. “Giá như tôi có kiến thức chăm sóc sức khỏe, biết đi kiểm tra thai nhi kỹ càng, biết tiêm phòng trước khi mang bầu… thì con đã không phải khổ sở với các thứ bệnh quái ác”, chị V. buồn rầu nói.

Lỗi tại…nghèo?

Để “sửa chữa” sai lầm và bồi đắp những kiến thức bị hổng trong quá trình nuôi dạy con, chị Tạ Thị H.- mẹ bé Thanh H. đã tham gia CLB Cha mẹ trẻ khuyết tật ở huyện Sóc Sơn. Những kiến thức trong những buổi nói chuyện, trao đổi đã giúp chị phần nào hiểu được lý do khiến con bị khuyết tật và hiểu được cách chăm sóc, giáo dục đặc biệt dành cho những đứa trẻ không bình thường như con mình. Nhưng bấy nhiêu kiến thức không thể khỏa lấp được nỗi đau khi chị phải chứng kiến tuổi thơ con đã bị đánh mất.

Theo ông Thái Đăng Linh – Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Sóc Sơn cho rằng trẻ em từ 0-10 tuổi bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hay bại não… ở Sóc Sơn không hiếm, phần lớn là do các mẹ ít học, kém hiểu biết. Sức khỏe có thể không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng trí tuệ các cháu thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai các cháu.

“Phụ nữ nông thôn vốn nhút nhát, ít học, trong khi công tác tuyên truyền của cán bộ nhiều lúc, ở nhiều nơi chưa thể sát sao, kịp thời khiến một bộ phận các cháu nhỏ bị thiệt thòi vì khuyết tật bẩm sinh. Nhưng dù công tác tuyên truyền có sâu rộng đến đâu thì kiến thức vẫn chỉ là kiến thức, tất cả phụ thuộc vào ý thức và hành động của các cặp vợ chồng. Nhiều bà mẹ nghe xong để đấy, hoặc không đủ tiền đi khám chữa bệnh. Có gia đình muốn xin trợ cấp nhưng không đủ tiền đưa con đi kiểm tra lấy giấy giám định sức khỏe. Rất nhiều trẻ khuyết tật đang bị mất khoản trợ cấp hằng tháng phần vì bố mẹ thiếu tiền làm giám định, phần vì lóng ngóng ra thành phố sợ bị lừa đảo nên họ cứ sợ sệt, trì hoãn” – ông Linh nói.

Theo bác sĩ Đinh Trọng Phụng (trạm y tế xã Phù Linh, Sóc Sơn), đánh giá thực sự tình trạng bệnh của người khuyết tật rất khó, chỉ đứng sau giám định cho người tâm thần. Chi phí khám chữa bệnh vì thế cũng không hề nhỏ. Chính quyền các xã, huyện ngoại thành cần có cơ chế hỗ trợ người dân nghèo kịp thời, vừa giúp đỡ về kiến thức, vừa giúp đỡ về kinh tế để những gia đình khó khăn có cơ hội tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh tốt, trẻ em nông thôn không bị quá thiệt thòi như trẻ em thành phố.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem