Chặn đường virus H7N9 vào Việt Nam

Thứ năm, ngày 04/04/2013 09:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo các chuyên gia, rất có thể chủng virus này sẽ lây lan vào nước ta từ gia cầm nhập lậu.
Bình luận 0

Ngay khi có thông tin chủng virus cúm mới H7N9 làm 2 người ở Trung Quốc tử vong, ngày 2.4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có chỉ thị gửi các tỉnh biên giới phía Bắc khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc vào nước ta.

Mầm họa từ gia cầm lậu

Là tỉnh biên giới và được đánh giá xuất hiện tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm lậu từ Trung Quốc nhiều nhất, ngày 3.4, ông Đàm Văn Eng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho NTNN biết: Hiện nay, các đối tượng tuy không buôn bán, vận chuyển cả xe ô tô nhưng tình trạng vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe máy vẫn xảy ra. Sau yêu cầu của Bộ NNPTNT, Cao Bằng đang gấp rút và tăng cường triển khai các biện pháp truy quét, ngăn chặn các hành vi mua bán gia cầm nhập lậu.

img
Bắt giữ vụ vận chuyển gia cầm nhập lậu trên Quốc lộ 70 thuộc địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ông Hoàng Chính Phương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch Động vật vùng Lào Cai thông tin: Việc tiến hành kiểm soát chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm và lấy mẫu xét nghiệm ở khu vực cửa khẩu vẫn được chúng tôi tiến hành thường xuyên theo quy định. Ngay sau khi có thông tin phát hiện virus cúm H7N9 ở Trung Quốc, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm soát chặt hơn.

Nghiêm cấm vận chuyển gia cầm dưới mọi hình thức là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NNPTNT tại chỉ thị ngày 2.4. Theo đó, Bộ NNPTNT yêu cầu các tỉnh nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía Bắc, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Trao đổi với NTNN, TS Nguyễn Đức Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện mỗi ngày vẫn có khoảng 3- 5 tấn gia cầm lậu từ Trung Quốc được đưa về chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) để tiêu thụ với những thủ đoạn mới tinh vi hơn.

Riêng khu vực Phú Xuyên (Hà Nội), thời gian gần đây cũng đã xuất hiện trở lại tình trạng nhập lậu gia cầm giống trái phép, có ngày không có con nào nhưng cũng có ngày số lượng lên tới vài chục nghìn con. Ngoài ra, ở một số địa bàn của Cao Bằng như Quảng Uyên, Trùng Khánh... vẫn xuất hiện buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm.

“Với việc xuất hiện chủng virus H7N9, nếu không kiểm soát tốt tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm sẽ là nguy cơ dẫn tới lây lan dịch bệnh vào nước ta” - TS Trọng lo lắng.

Lấy mẫu xét nghiệm

Theo ông Phùng Quốc Chướng - Viện trưởng Viện Thú y (Bộ NNPTNT), loại virus mới H7N9 có độc lực thấp với thủy cầm (vịt, ngan) nhưng với gia cầm trên cạn, như gà thì độc lực lại rất mạnh. Khi gà mắc phải loại virus H7N9, tỷ lệ chết rất cao. Nếu các lực lượng chức năng không kiểm soát tốt tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm trái phép, để chúng mang virus này vào Việt Nam sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, dù chưa phát hiện loại virus mới H7N9 xuất hiện ở nước ta, nhưng nguy cơ chúng xuất hiện là rất cao. “Trong ngày 3.4, Cục Thú y đã có văn bản chỉ đạo tất cả các chi cục thú y vùng, chi cục thú y các tỉnh nhất là các tuyến biên giới tiến hành kiểm soát chặt việc buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm xem có phát hiện các loại virus cúm, trong đó có loại virus mới H7N9 hay không. Hiện nay, loại virus H7N9 chưa có vaccin để phòng chống, trên thế giới cũng chưa có nước nào sản xuất được loại vaccin này”.

Theo ông Đông, để ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là ngăn chặn chủng loại virus mới H7N9 lây lan vào nước ta, biện pháp tốt nhất vẫn là kiểm soát chặt tình trạng vận chuyển, buôn bán, kinh doanh trái phép gia cầm nhập lậu. Đồng thời, tiến hành giám sát, phát hiện và xử lý sớm khi phát hiện loại virus này.

H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm

Ông Trần Đắc Phu - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, khi xét nghiệm với 3 người đầu tiên ở Trung Quốc nhiễm bệnh, cơ quan y tế đã phát hiện cả 3 đều nhiễm virus H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm. “Hiện chưa có nghiên cứu sâu nào về mức độ nguy hiểm của H7N9 so với H1N1 hay H5N1, tuy nhiên với biến chủng của virus cúm H7N9 đã khiến 2 người mắc bệnh tử vong, cho thấy nó cực kỳ nguy hiểm” - ông Phu nói. Theo ông, WHO hiện chưa đưa ra khuyến cáo nào về sự hạn chế đi lại giữa các nước trong khu vực, tuy nhiên đây là một vấn đề cần được cảnh báo.

Nguy cơ virus biến dị lây từ người sang người

Theo mạng tin Sankei (Nhật Bản), kết quả phân tích gen của chủng virus cúm gia cầm H7N9 được xác định là lây nhiễm sang người ở Trung Quốc có độc tính mạnh gấp nhiều lần so với trước đây. Giới chuyên gia y tế ngày 3.4 lo ngại nguy cơ chủng virus này có thể biến dị thành chủng lây từ người sang người. WHO cho biết “hiện chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy loại virus này lây từ người sang người”. Tuy nhiên, một khi các biến dị di truyền của H7N9 được xác nhận thì có nguy cơ dịch bệnh sẽ lây lan rộng.

Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới

Ngày 3.4 Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đề nghị, tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Thực hiện kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ NNPTNT tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem