Chàng giám đốc chống nạng leo Fansipan, kiệt sức vẫn đi bằng ý chí

Thứ sáu, ngày 12/04/2019 13:30 PM (GMT+7)
Bị bại liệt, muốn leo lên đỉnh Fansipan phải dùng nạng, đến nửa đêm anh Đang kiệt sức, "đi" bằng ý chí, chứ không bằng cơ thể nữa.
Bình luận 0

Trái với những bức ảnh đĩnh đạc trên mạng xã hội, Nguyễn Đình Đang, 31 tuổi ngoài đời có thân hình nhỏ bé. Anh chỉ nặng chừng 40 kg, hai chân teo tóp, khó tự đứng được. Song với đôi nạng trong tay, anh bước đi thoăn thoắt, chạy bộ, leo núi hay đứng trước đám đông cả nghìn người chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh và những giới hạn bản thân đã vượt qua.

img

Nguyễn Đình Đang hiện là giám đốc một trung tâm Anh ngữ ở Hà Nội và diễn giả cho nhiều sự kiện truyền động lực cho người trẻ. Ảnh: NVCC.

Do trận sốt năm một tuổi, cậu bé Đình Đang, quê Nam Định, bị bại liệt hai chân. Bù lại, Đang học tốt và thẳng tiến vào Đại học Công nghiệp, chuyên ngành IT. Ngay sau khi ra trường cậu được nhận vào một tập đoàn công nghệ lớn.

Khi công việc ổn định, chàng trai trẻ đặt mục tiêu thạo tiếng Anh. Năm 2013 có một chương trình dạy tiếng Anh miễn phí của một giáo sư ngôn ngữ người Mỹ gốc Việt thu hút nhiều người tham gia, nickname HappyForever41 thường được vị giáo sư này nhắc đến. Đó chính là Nguyễn Đình Đang. Vì chăm chỉ mà cậu được vị giáo sư chú ý, sau đó dạy riêng và tạo điều kiện cho đứng lớp trợ giảng.

Trong khoảng 2 năm, Đang chỉ đi ngủ sau 3 giờ sáng bởi mải dạy tiếng Anh miễn phí cho những người còn online muộn. Trong khi đó, 6 giờ cậu đã phải dậy nấu cơm đi làm. Mỗi ngày Đang chống nạng đi bộ 2 km từ bến xe bus tới cơ quan, leo cầu thang đến phòng làm việc.

img

Đang từng chinh phục Fansipan dù phải phụ thuộc hoàn toàn vào nạng. Ảnh: NVCC.

Hè năm 2015, anh quyết định nghỉ việc có mức lương gần 15 triệu đồng để có thời gian học và dạy tiếng Anh. Song song, Đang cũng luôn muốn khám phá giới hạn của bản thân. Tháng 9.2015, anh cùng với một người bạn thực hiện hành trình xuyên Việt trên xe 3 bánh, với chỉ 800 nghìn đồng trong người. Trong chuyến đi này, Đang đã bán nem chua, chạy xe ôm, làm hướng dẫn viên... để có thêm kinh phí.

"Khi đi đến Sầm Sơn (Thanh Hóa), mình và bạn xin nghỉ qua đêm dưới một mái hiên. Đêm đó mưa to gió lớn, người chủ quán mở cửa cho vào nhà nhưng hai đứa vẫn động viên nhau chịu đựng ở ngoài hiên". Sáng hôm sau trên con đường bon bon gió lộng, quần áo khô dần, hai chàng trai háo hức đi tiếp. Lúc đi ngang qua đèo Hải Vân, một trong hai chiếc xe bị đứt phanh, họ phải dùng một cây gậy vừa chống vừa đổ đèo. 

"Giây phút đặt chân lên đất Mũi Cà Mau, mình cảm nhận đất nước mình thật tươi đẹp, trong lòng mình như được tiếp thêm sức mạnh, mà nếu như bỏ cuộc trước khi tới đích sẽ không thể cảm nhận được", Đang nói về hành trình xuyên Việt trong 29 ngày của mình.

img

Đình Đang đã tham gia chạy với đôi nạng và hoàn thành 10 km trong thời gian 2 tiếng đặt ra. Ảnh: NVCC.

Năm 2017, anh muốn chinh phục thử thách mạo hiểm hơn: Leo Fansipan. Những đoạn đường bằng, anh đi tiến, đường đá dốc, anh đi lùi, nhiều đoạn đường phải ì ạch leo hàng chục phút. Dù được các bạn đồng hành hỗ trợ, song trên hành trình 16 km này có nhiều đoạn dốc thẳng đứng, nhiều triền núi chỉ đặt vừa đủ một bàn chân, không ai có thể giúp Đang ngoài chính anh.

"Để vượt qua dốc cao, mình phải liên tục động viên bản thân. Nhớ lại có người từng nói mình 'Què quặt thế này đi làm làm gì. Kiếm cô vợ về nó hầu hạ cho'. Nhờ câu đó mà mình đã vượt qua thử thách trở thành một kỹ sư công nghệ và giờ thì leo Fansipan. Mình không thể dừng lại được", Đang nhớ lại.

Thường thì các đoàn leo núi này sẽ cố đi đến điểm nghỉ ở Trạm Tôn trước 7 giờ tối, nhưng vì nhóm chờ Đang nên tận 11 giờ đêm mới đến được đây. "Phải dùng lực đôi vai quá nhiều, hai chân cũng phải hoạt động khiến mình đau đớn khắp người. Lúc đó mình không còn đi bằng cơ thể nữa mà bằng ý chí và quyết tâm", Đang nói. Ngày hôm sau Đang leo thêm mấy tiếng nữa mới lên được đỉnh. Bao mệt mỏi tan biến hết trong khoảnh khắc anh đứng trên nóc nhà Đông Dương ngắm mây trời lồng lộng.

Thu Hương, huấn luyện viên dinh dưỡng ở TP HCM - bạn đồng hành leo Fansipan với Đang - cho biết, buổi tối hôm đó mưa nặng hạt, đường trơn, đèn pin yếu. "Một số thành viên trong đoàn đã đi trước về trạm nghỉ, chỉ còn 4 người rớt lại sau, trong đó có Đang. Anh Đang luôn là người động viên, kể chuyện vui để mọi người quên đi cái đói, cái lạnh và sợ thú dữ".

Năm 2018, Nguyễn Đình Đang thêm một lần thử thách mình bằng việc chạy marathon trên nạng tại Ninh Bình và Hạ Long, trong khi tất cả mọi người chạy bằng chân.

Cuối năm đó, Đình Đang sáng lập ra một trung tâm Anh ngữ của riêng mình tại Hà Nội. Với phương pháp được đào tạo trực tiếp từ giáo sư ngôn ngữ tại Mỹ, chàng trai cam kết rút ngắn thời gian học tiếng Anh từ vài năm xuống chỉ còn vài tháng. Hiện trung tâm thường xuyên tổ chức 5-7 lớp. Trước đó, anh cũng từng được Đại sứ quán Mỹ mời chia sẻ về cách tìm học viên, khách hàng từ các đơn vị nước ngoài cho các đại sứ đại diện cho nhiều quốc gia khác nhau.

Dù phải dùng nạng thay chân nhưng 31 năm qua Nguyễn Đình Đang đã sống như một người bình thường. Đến mức một người bạn Facebook đã nhắn tin cho anh: "Thực sự chị rất vô tâm khi ngày ngày vẫn theo dõi em, thấy em vui với ánh mắt và nụ cười, mà đến hôm nay em xuất hiện trên tivi, chị mới biết em phải dùng nạng".

Nguyễn Đình Đang chỉ mong ước có vậy thôi, rằng phải đi lại bằng nạng nhưng không ai nghĩ anh dùng nạng...

*TIÊU ĐỀ BÀI VIẾT DO DÂN VIỆT ĐẶT LẠI

Phan Dương (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem