Chạnh lòng nỗi buồn tình duyên bên những cánh ong du mục

Thứ sáu, ngày 21/09/2012 13:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bén duyên với nghề nuôi ong du mục, ông Đường đi một mạch nhiều tháng mà... quên mất người yêu. Cô gái quá buồn và sau đó ra đi không một lời tạm biệt...
Bình luận 0

Nghề nuôi ong du mục không chỉ như “đánh bạc với trời”, quanh năm suốt tháng phải sống giữa núi rừng hoang vu, những người theo nghề này còn nếm trải sự cô đơn, thiếu thốn, khi mà quanh năm họ chỉ có rừng núi hoang vu làm bạn...

Gặp người không lấy vợ

Trong số những chủ trại ong mà chúng tôi gặp ở Quảng Bình có một người đàn ông khá đặc biệt. Đặc biệt không chỉ ông là người có thâm niên nghề cao nhất ở đây, mà còn vì đã 45 tuổi vẫn chưa lấy được vợ. Ông tên Trần Văn Đường, quê Hà Tĩnh, đã vào Đăk Lăk sống và theo nghiệp nuôi ong gần 20 năm nay.

img
Công đoạn quay mật ong đóng thùng.

Ông Đường bảo, ngoài 20 tuổi, ông bén duyên với nghề nuôi ong du mục, rồi nay đây mai đó, chỗ ở cố định nhất cũng chưa đầy 3 tháng, có thời gian tìm hiểu đâu mà lấy vợ. Thực ra, lúc 25 tuổi ông Đường cũng đã quen một cô ở Đăk Lăk. Hai bên đã định ngày cưới thì Tây Nguyên đến mùa mưa, ông Đường phải đưa đàn ong ra Bắc.

Ông đi một mạch nhiều tháng, mải theo đàn ong mà không hỏi thăm chi người yêu hết. Cô gái quá buồn và sau đó ra đi không một lời tạm biệt… Cũng từ đó, những người bạn của ông Đường không nghe ông nhắc đến chuyện lấy vợ nữa, mà dành cả tình yêu, tâm trí cho đàn ong.

Theo anh Lê Văn Thao, người nhiều năm theo ông Đường nuôi ong, thì nguyên nhân ông Đường không lấy vợ không chỉ có chuyện quanh năm phiêu bạt, không có thời gian tìm hiểu mà có thêm một chuyện buồn mà ông Đường luôn giấu kín trong lòng.

Năm 2005, khi đang đưa đàn ong tìm mật ở Tiền Giang, thì một người bạn thân của ông Đường nhận được tin vợ ở nhà cặp bồ. Đang đêm người bạn ông Đường tức tốc đón xe về nhà thì bắt gặp cảnh vợ đang ngoại tình. Quá buồn, người bạn lặng lẽ đón xe quay lại trại ong...

Trong số gần 15 người đàn ông làm nghề nuôi ong mà chúng tôi gặp ở rừng tràm xã Kim Thuỷ, có đến 10 người chưa lập gia đình. Hỏi chuyện nghề nghiệp, ai cũng cởi mở dù đó là những kinh nghiệm đúc kết từ sự thất bại mà có được; nhưng khi hỏi chuyện gia đình thì quá nhiều người lẩn tránh. Hình như trong cái nghề nuôi ong du mục này còn có những nỗi buồn mà họ không muốn nhắc tới…

Nếm mật nằm gai

Nghề nuôi ong di cư có đặc thù riêng, không giống với bất cứ nghề nào khác. Người làm nghề này phải có sức khỏe và chịu khó mới không bị chồn chân mỏi gối khi theo những cánh ong đi tìm hoa khắp các vùng miền.

Anh Nguyễn Duy Nhân - chủ một đàn ong bảo, nghề nuôi ong là nghề nếm mật nằm gai. Thật vậy, khi dẫn chúng tôi vào "tham quan" túp lều bằng vải bạt lụp xụp của mình dựng lên giữa bốn bề rừng tràm, trong lều chỉ có một chiếc giường oải mục, vài ba cái soong và mấy bao tải đựng bột đậu nành làm thức ăn cho ong. Anh Nhân bảo, giới nuôi ong gọi những túp lều này là "khách sạn ngàn sao" và nói rằng lạc quan là một trong những yếu tố giúp người nuôi ong di cư sống được với nghề.

Ở một số địa phương, chính quyền còn nghĩ ra cách thu thuế của người nuôi ong, như một xã ở Huế thu tới 10.000 đồng mỗi thùng ong.

Nhưng không phải người nuôi ong nào gặp chúng tôi cũng lạc quan. Gặp chúng tôi, một chủ ong khác chỉ tay vào túp lều rách bươm của mình rồi nói rằng chỉ cần nhìn vào chỗ ở là biết được sự lênh đênh, cực khổ của nghề này. "Ban đêm do ong sợ ánh sáng nên nhiều người nuôi không dám thắp đèn, cuộc sống không khác nào thời tiền sử" - chủ ong này nói.

Cuộc sống vất vả đến mấy rồi cũng thích nghi được. Điều khiến người nuôi ong di cư lo sợ là làm phật lòng chủ rừng hoặc người dân bản địa. Đã có rất nhiều chủ ong bị thiệt hại nặng khi bị chủ rừng "nổi chứng" xua đuổi vì phật ý hoặc do thiếu hiểu biết nên nghĩ ong làm hại rừng, vườn cây của họ. Nhiều trường hợp chủ rừng sẵn sàng cho nuôi ong nhưng người dân sống xung quanh lại phản đối vì sợ sẽ bị ong gây hại cây trồng. Mỗi lần bị đuổi là mỗi lần người nuôi ong lãnh đủ, vì chi phí cho mỗi chuyến xe di chuyển ong từ miền Nam ra miền Trung hoặc miền Bắc mất ít nhất từ 35-40 triệu đồng.

Đáng sợ nhất đến nơi nào có các nhóm giang hồ, anh chị đang hoạt động, bắt mùi được và tìm đến hoạnh hoẹ trấn lột. Những người nuôi ong cho biết, tháng trước họ đặt những đàn ong của mình sát bên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua đập An Mã (xã Trường Thuỷ) cho tiện việc sinh hoạt.

Chỉ được một thời gian ngắn, không biết từ đâu một nhóm thanh niên đầu trọc đi xe ôtô đến tự xưng ở Đồng Hới lên bảo kê các đàn ong và các chủ ong phải nộp cho họ một tháng 1 triệu đồng/ người. Các chủ ong không chịu nộp, bọn chúng đập phá đe doạ. Họ đành lẩn trốn vào sâu trong rừng để yên thân…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem