Cháo gà và 1.400 tỷ đồng

Nguyễn Quang Thân Thứ bảy, ngày 08/08/2015 06:55 AM (GMT+7)
Có câu chuyện cổ kể rằng, một ông quan huyện vi hành, gặp dân vác rổ ra đường kêu đói xin ăn. Ông quan bực mình quát: "Đói hả? Sao không nấu cháo gà mà ăn?". Kẻ có học trong dân bình: "Cha quan này có vấn đề!".
Bình luận 0

Về nguyên tắc, đúng quy trình, các vị lãnh đạo tỉnh Sơn La không phải là quan mà là "đầy tớ của dân". Cũng về nguyên tắc, các vị ấy không thể là  người “có vấn đề” như ông quan cháo gà kia. Các vị lãnh đạo một tỉnh đói nghèo nhất nước, được giao phó những nhiệm vụ nặng nề thì chắc ít nhất cũng có phẩm chất gì đó.

Thế nhưng, thiên hạ sửng sốt khi biết tin, trong hơn một năm cuối nhiệm kỳ, các vị đưa ra một dự án tượng đài và quảng trường, khu hành chính hàng nghìn tỷ. Trong bối cảnh kinh tế nước nhà gặp khó, khi ngay cả ngân sách hàng năm phải dựa vào trung ương và gần như thường xuyên phải cứu đói, phải chăng người dân Sơn La đang khát khao được chiêm ngưỡng tượng đài và cụm quảng trường ngàn tỷ của các vị?

Đồng bào Tây Bắc yêu mến Bác Hồ, tình yêu mến của dân thường để trong lòng và thật sự khó đong đếm. Nhưng lòng biết ơn với cha ông và người đi trước của dân dù có sâu nặng đến mấy cũng được thể hiện một cách thực tế và cụ thể. Làm sao thoát được nghèo, trẻ được học hành, già được no ấm, đủ ăn đủ mặc để không phải trộm cắp hay buôn ma túy là cách báo đáp tốt đẹp nhất.

Có cả một cuộc vận động khắp nước góp tiền cho bữa cơm các em học sinh nội trú Tây Bắc thêm miếng thịt để khỏi ăn thịt chuột và nhái đồng cua suối, chẳng nhẽ các lãnh đạo Sơn La không biết sao? Hàng trăm con sông con suối Tây Bắc chưa có cầu, học sinh phải qua sông bằng túi nylon, các vị quên rồi sao? Hàng ngàn trường học tranh tre nứa lá tan hoang không có tiền sửa sang, các vị không nhìn thấy sao? Hàng chục vạn đồng bào Thái phải rời bỏ những bãi ngô bãi dâu màu mỡ ven sông Đà cho thủy điện, đang sống khó khăn trong các khu tái định cư, các vị quên họ rồi sao?

Một lần lên Tây Bắc, tôi gặp một bà mế người Thái trước cổng chợ TP.Điện Biên. Mế cầm trên tay hai gắp cua suối, đi bộ từ sáng tinh mơ đến trưa mới đến chợ bán rồi mua mấy tập vở cho cháu. Thừa chút tiền lẻ, mế mua thêm một ít phẩm hồng "để thoa lên cái má" trước khi ra ruộng. Tối sẫm mới về đến nhà. Một ngày bắt cua, một ngày đi chợ, mua được vài cuốn vở và ít phẩm hồng.

Dân Tây Bắc, dân Sơn La còn nghèo, còn khổ lắm. Nếu chỉ nghĩ đến dân một phút thôi, những lãnh đạo ở đây biết ngay là dân đang muốn gì, cần gì. Cháo gà ngon, rất ngon, nhưng không thể thay một bữa cơm no thưa các vị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem