Chiêm ngưỡng nét tài hoa trên linh vật cổ

Hà Thu Thứ tư, ngày 12/11/2014 09:54 AM (GMT+7)
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam những ngày này đang có rất đông người đến thưởng lãm một cuộc trưng bày đặc biệt mang tên: “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" (mở cửa đến hết 17.11, tại 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). 
Bình luận 0

Bước chân vào phòng trưng bày, chắc chắn khách tham quan sẽ cảm thấy choáng ngợp và bị chinh phục ngay lập tức bởi những bức tượng điêu khắc linh vật thuần Việt mà từ trước tới nay rất ít người được ngắm. Đây là triển lãm linh vật thuần Việt đầu tiên do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức với mục đích cung cấp những mẫu tượng linh vật phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trong số 60 hiện vật trưng bày trong triển lãm, Bảo tàng Nam Định mang đến 20 hiện vật.

imgNghê đền Đồng Lư (Nam Định) có từ thế kỷ XVII - XVIII.    H.T

 

Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến- Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Hình tượng tư tử và nghê cùng những hình tượng linh vật sớm xuất hiện, tồn tại và trở nên gần gũi trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc. Đây có thể coi là bộ sưu tập đầy đủ, phong phú và đa dạng nhất những linh vật nghê và sư tử thuần Việt với tổng số khoảng 60 hiện vật, từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn. Các hiện vật được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng… mang giá trị thẩm mỹ cao. Đó là các tác phẩm điêu khắc độc lập, hoặc một phần khắc trên các công trình kiến trúc như đình chùa, khắc trên đồ vật như bình hoa, chân đèn”.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sự xuất hiện của những vật phẩm, linh vật như sử tử đá ngoại lai tại một số công sở, di tích hoặc trong không gian văn hóa người Việt đã trở thành một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Từ góc nhìn văn hóa truyền thống mang tính biểu tượng, không gian tín ngưỡng cổ truyền đã định hình qua nhiều thế kỷ đang bị sự lai căng, pha tạp làm biến dạng. Có lẽ nguyên nhân phần nhiều từ khoảng trống trong giáo dục, nhận thức về di sản nghệ thuật và đặc biệt là thiếu cơ hội để công chúng được tiếp cận, khám phá và tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số hình tượng linh vật trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Bởi vậy theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, việc trưng bày các linh vật đã từng xuất hiện trong điêu khắc cổ xưa sẽ giúp cho người dân nhận đúng ra đâu là nét đặc trưng của linh vật thuần Việt để tránh dùng sai, dùng nhầm.

Đến triển lãm, ngoài những khách tham quan bình thường, còn có sự xuất hiện của nhiều người đến từ các cơ sở sản xuất các linh vật, biểu tượng tâm linh. Họ đến để tìm hiểu, chụp ảnh để mở ra hướng đi mới trong việc sản xuất theo các mẫu linh vật thuần Việt này. Ông Lê Văn Chiêm đến từ làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) cho biết: “Đợt vừa rồi chúng tôi đọc báo đều biết bây giờ các công sở, nơi thờ tự không được dùng linh vật ngoại lai, thế nhưng linh vật thuần Việt thế nào thì cũng chưa ai đưa ra mẫu cụ thể. Tôi nghe nói có cuộc triển lãm này nên đã lên đây để xem, đúng là cha ông mình có đôi bàn tay tài hoa thật. Một dịp được chiêm ngưỡng các tác phẩm này là một bài học vô cùng quý giá cho những người làm nghề như chúng tôi”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem