Cho vay theo chuỗi giá trị - xu hướng quan trọng

Thúy Lê (Thực hiện) Thứ sáu, ngày 21/09/2018 06:25 AM (GMT+7)
“Trong nghị định mới có đưa ra hướng dẫn hình thức cho vay mới đó là cho vay theo chuỗi giá trị. Tôi đánh giá đây là xu hướng quan trọng trong ngành nông nghiệp (NN) của Việt Nam và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng”- ông Cấn Văn Lực (ảnh) - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định khi trả lời phỏng vấn NTNN.
Bình luận 0

- Nghị định 116/2018 (NĐ116) gỡ được những nút thắt nào trong quan hệ tín dụng tam nông và các tổ chức tín dụng, thưa ông?

NĐ 116 có rất nhiều điểm “mới” so với NĐ55 trước đây về tín dụng cho ND, nông nghiệp, nông thôn (NNNT). Tuy nhiên, có 2 điểm căn bản trong NĐ116, tôi cho là rất tích cực và phù hợp với thực tiễn hiện nay đó  là vấn đề tăng hạn mức vay và hướng dẫn hình thức cho vay theo chuỗi liên kết.

Tại sao tôi lại nói những quy định này là tích cực? Thứ nhất, nếu như trước đây hộ ND, NN muốn vay 60 triệu nhưng hạn mức cho phép chỉ là 50 triệu. Để vay được 60 triệu, họ phải chia nhỏ các khoản vay và vay 2 lần tại 2 ngân hàng khác nhau chẳng hạn. Nhưng với quy định tại NĐ 116 này, rõ ràng với mức tăng hạn mức vay lên gấp đôi, người dân chỉ cần vay 1 lần cũng có thể vay đủ 60 triệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh NN. Thủ tục đi vay cho phía người đi vay đồng nghĩa cũng đã giảm 1 nửa so với trước. Việc tăng hạn mức cũng là phù hợp và tất yếu vì thu nhập của ND, nông thôn hiện nay đã cải thiện, nhu cầu vay cũng lớn lên và có xu hướng làm ăn lớn hơn.

Thứ 2, trong nghị định mới có đưa ra hướng dẫn hình thức cho vay mới đó là cho vay theo chuỗi giá trị. Tôi đánh giá đây là xu hướng quan trọng trong ngành NN của Việt Nam và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Vòng tròn sản xuất theo chuỗi liên kết sẽ tạo điều kiện cho các định chế tài chính yên tâm hơn khi mở hầu bao cho vay đối với tam nông khi các định chế tài chính có khả năng kiểm soát dòng tiền tốt hơn thông qua hình thức này.

- Với NĐ116, tín dụng tam nông liệu có bứt phá mạnh trong thời gian tới  không, thưa ông?

Hiện nay tín dụng NNNT chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, khoảng 1,3 triệu tỷ đồng . Với NĐ 116, tín dụng của lĩnh vực NNNT sẽ có thể được đẩy lên ở mức 22 - 25% tổng dư nợ. Con số này cũng là rất tích cực đối với ngành NN của Việt Nam.

Chúng ta không thể kỳ vọng tín dụng lĩnh vực NN, ND, nông thôn tăng trưởng bứt phá hay tăng trưởng quá mạnh. Tại sao lại như vậy? Lý do chính là trong bối cảnh hiện nay khi ngành NN ngày càng  hiện đại hơn, tỷ trọng NN trong GDP về lâu dài có chiều hướng giảm. Vì vậy, dư nợ cho vay đối với NNNT không phải là tăng mạnh và cũng không thể đòi hỏi dư nợ đối với NNNT tăng mạnh được. Chúng ta muốn hiện đại hóa NN thì đương nhiên mảng NN sẽ thu hẹp về quy mô GDP nhưng sẽ tăng về hàm lượng giá trị.

- Theo ông, còn những điểm nghẽn nào chưa được NĐ 116 đề cập tới?

Đúng là 1 phần cơ bản những vướng mắc trong cho vay ND, NNNT đã được tháo gỡ trong nghị định mới này. Song bên cạnh đó cũng còn 1 số điểm tôi cho rằng cần phải lưu ý.

Thứ nhất, liên quan đến tài sản thế chấp. Hiện nay vướng mắc khi cho vay NNCNC thì tài sản thế chấp ví dụ như vấn đề liên quan đến nhà kính vẫn chưa được công nhận vì chưa có hướng dẫn cụ thể giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường đầu mối phối hợp là Ngân hàng Nhà nước. Cái đó cần phải tháo gỡ bởi rõ ràng cho vay NNCNC gắn rất nhiều với nhà kính mà hiện nay không thế chấp được.

Thứ 2, liên quan đến khoanh nợ, nợ khó đòi hay nợ xấu, đòi hỏi sự vào cuộc rất quyết liệt của chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Ngoài ra cần lưu ý đến bảo hiểm NN.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem