Chống lãng phí trong đầu tư công

Thứ năm, ngày 20/09/2012 10:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tình trạng sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, dự toán vẫn tồn tại khá phổ biến và chậm được khắc phục.
Bình luận 0

Báo cáo được đưa ra tại phiên thảo luận về Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí sáng 19.9. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2012, Kho bạc Nhà nước phát hiện trên 31.300 khoản chi thường xuyên chưa thực hiện đúng thủ tục, chế độ quy định, đã từ chối thanh toán trên 371 tỷ đồng; các cơ quan thanh tra nhà nước đã kiến nghị thu hồi về NSNN trên 3.529 tỷ đồng và kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm chế độ quản lý, sử dụng NSNN.

img
 

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cũng nhận định, tình trạng sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn nhiều hạn chế; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại ở mức cao ảnh hưởng không thuận tới sự phát triển bền vững nền kinh tế.

Số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước cho thấy, hiệu quả kinh doanh của khối DNNN thấp, chưa đảm bảo vị trí, vai trò trong nền kinh tế. Nhiều tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh thua lỗ (như Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Điện lực, Tổng Công ty hàng Hải Việt Nam...). Mặt khác, các DNNN chủ yếu sử dụng vốn tín dụng, kết quả kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào lãi suất ngân hàng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tỏ ra hết sức tâm đắc khi dành phần lớn thời gian để góp ý. Trước tiên, ông Ksor Phước khẳng định, Quốc hội cũng cần có trách nhiệm trong việc chống lãng phí và chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí: Cải cách hành chính có ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề này, nhưng báo cáo chưa đánh giá rõ được vai trò của cải cách hành chính trong Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.

Ông cũng chỉ ra thêm 2 lĩnh vực gây lãng phí nhiều, trong đó đáng nói hơn cả là năng lực nội sinh của nền kinh tế. “Một nền kinh tế lạc hậu, máy móc thiết bị cũ kỹ không tạo được năng suất cao, nguồn nhân lực kém chất lượng, ít ứng dụng công nghệ mới nên giá trị gia tăng trong sản phẩm rất thấp chính là một sự lãng phí lớn lao”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Việc chống lãng phí trong đầu tư công cực kỳ quan trọng bởi đây là mảnh đất cực kỳ màu mỡ cho tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên hiện cũng hết sức lộn xộn và bị buông lỏng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì đánh giá, báo cáo của Chính phủ đã nêu 7 lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí nhưng chưa có sự so sánh cụ thể để từ đó có cách xử lý. Ngoài ra, ông Giàu cũng góp ý, các lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt như quản lý tài sản công, đầu tư từ vốn nhà nước và quản lý đất đai, tài nguyên, báo cáo nên làm sâu sắc hơn.

Kết luận vấn đề, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, việc xây dựng cơ bản chậm trễ, kéo dài từ năm này qua năm khác còn gây ra cả sự lãng phí về thời gian. Đây là thứ lãng phí không đong đếm được, nhưng lại gây tác hại rất lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem