Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Cấm xe máy là ý kiến cá nhân, HN chưa quyết

Thành An Thứ ba, ngày 09/04/2019 11:11 AM (GMT+7)
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc cấm, hạn chế xe máy chỉ là ý kiến của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, TP chưa có quyết định về việc này.
Bình luận 0

Sáng nay, bên lề phiên họp bất thường (kỳ họp thứ 8), HĐND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã trả lời báo giới một số câu hỏi liên quan đến việc Hà Nội đang nghiên cứu cấm xe máy vào giờ cao điểm trên một số các tuyến phố khu vực nội đô.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, giải pháp giảm ùn tắc giao thông Hà Nội đã được UBND TP trình ra HĐND vào tháng 7.2018, lộ trình đã rõ là đến năm 2030.

img

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

"Vừa qua có một số ý kiến cá nhân, trong đó có ý kiến của Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội chứ chính thức TP chưa đưa ra quyết định về việc này", ông Chung nói.

Lãnh đạo TP.Hà Nội cho rằng, hiện nay đối với thu nhập của người dân Hà Nội cũng như thu nhập của người dân Việt Nam, chúng ta đang sử dụng phương tiện xe máy rất lớn. 

Trên địa bàn TP hiện nay xấp xỉ 6 triệu xe máy nên việc giải quyết cấm hay hạn chế xe máy ở từng khu vực phải được nghiên cứu đánh giá rất kỹ lưỡng, phương án này phải được công bố công khai, tạo được sự đông thuận của người dân. Đặc biệt việc này cần dựa trên cơ sở TP phải phát triển, đáp ứng được điều kiện về phương tiện công cộng hiện đại. 

Bên cạnh đó, phải tuyên truyền để người dân Hà Nội có thói quen khi di chuyển trong vòng 1-1,5km thì nên đi bộ. "Trong thời gian tới TP sẽ đánh giá lại toàn bộ và công khai với người dân", ông Chung nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với báo giới, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin, Hà Nội đang lựa chọn tuyến đường để thí điểm dừng hoạt động xe máy, có thể là đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi.

img

Xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu của người dân Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, TP sẽ thí điểm việc dừng xe máy trên một số tuyến. Sở đang lựa chọn, như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau khi đưa vào thực hiện có thể lựa chọn 1 trong 2 tuyến để dừng hoạt động xe máy là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông. 2 tuyến này khi phát triển vận tải hành khách công cộng tốt thì có thể dừng lại.

Khi cấm hoặc dừng hoạt động xe máy trên tuyến, khu vực nào thì vẫn phải đảm bảo sinh hoạt bình thường việc đi lại của nhân dân ở những khu vực được kết nối một cách thuận lợi. Trong quá trình hoàn thiện, đề án sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, những năm qua, với đồng bộ các giải pháp từ hạ tầng tới chính sách, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể. Từ 124 điểm đen ùn tắc vào năm 2010, giảm xuống còn 44 điểm năm 2015, và năm 2017 còn 41 điểm. 

Tuy vậy, ùn tắc ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, nguyên nhân do hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của phương tiện cá nhân, bên cạnh việc giải quyết được các điểm ùn tắc cũ lại phát sinh các điểm ùn tắc mới.

“Ùn tắc giao thông là vấn đề thời đại, không phải chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước kinh tế, hạ tầng phát triển tốt vẫn ùn tắc. Tại Hà Nội, sức ép ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, có ý kiến nói là như một thảm họa, nếu không làm gì thì có lỗi với nhân dân. Do đó, TP đã xây dựng Đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Vấn đề quản lí phương tiện cá nhân bao gồm tất cả các loại phương tiện, xe máy chỉ là một trong những phương tiện hạn chế" – ông Viện nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem