Chủ tọa phiên xử vụ tử tù Hồ Duy Hải: 'Không làm oan sai, bỏ lọt tội phạm'

Anh Phương (Tổng hợp) Thứ tư, ngày 06/05/2020 14:12 PM (GMT+7)
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra từ tháng 1/2008 khiến 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi tử vong, gây bức xúc dư luận. Ông khẳng định yêu cầu đặt ra với phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm này là phải xem xét cẩn trọng, khách quan để không làm oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
Bình luận 0

Sáng 6/5, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (35 tuổi, trú tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị kết án tử hình về 2 tội "giết người" và "cướp tài sản". Phiên toà được mở tại Hà Nội. Ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án TAND Tối cao, là chủ tọa phiên xét xử. Hội đồng thẩm phán gồm 17 thành viên.

Theo báo Tuổi trẻ, sáng nay, tại phiên xét xử, bị án Hồ Duy Hải không có mặt.

Ông Nguyễn Huy Tiến - Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, được viện trưởng ủy quyền - đến tham dự phiên tòa. Tham dự phiên tòa còn có đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Cục C01, Bộ Công an…

Các điều tra viên tham gia điều tra vụ án là ông Lê Thành Trung (hiện là trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An); Nguyễn Văn Linh (hiện là phó trưởng phòng PC06, Công an Long An) có mặt tại phiên tòa.

img

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tọa phiên tòa phát biểu khai mạc phiên xét xử. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Phong (hiện là phó trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản, quyết định lệnh tạm giam đối với Hồ Duy Hải, vắng mặt.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết "ông rất tiếc" khi một số luật sư, kiểm sát viên... tham gia trong quá trình giải quyết vụ án đã vắng mặt. Theo ông Bình, đây là phiên tòa quan trọng, là dịp cùng nhau xem lại trách nhiệm để làm rõ, xem xét lại vụ án.

Ông Bình đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra từ tháng 1/2008 khiến 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi tử vong, gây bức xúc dư luận. Vụ án đã qua 2 cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Sau đó đã có báo cáo về vụ án đến Văn phòng Chủ tịch nước và có quyết định tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Theo Zing, có 4 vấn đề cần làm rõ trong phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. 

Dấu vân tay tại hiện trường của ai?

Theo cáo buộc trong hồ sơ vụ án, sau khi cắt cổ 2 nạn nhân N.T.A.H. và N.T.T.V, Hồ Duy Hải ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, rửa dao cho sạch máu. Cảnh sát khám nghiệm hiện trường, thu giữ một số dấu vết “đường vân tay ở mặt trong của kính trên cánh cửa sau và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo”.

Tuy nhiên, kết luận giám định ngày 11/4/2008 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Long An xác định dấu vân tay cả 10 ngón tay của Hồ Duy Hải không trùng khớp với các dấu vân tay thu tại hiện trường.

"Các dấu vết vân tay thu tại hiện trường vụ án, xảy ra ngày 14/1/2008, tại Bưu cục Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chi bản của Hồ Duy Hải, sinh năm 1985".

Mặc dầu vậy, kết quả giám định này đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án. Tòa sơ thẩm cho rằng “vết máu thu giữ tại hiện trường khi giám định không phải là của bị cáo, song các thiếu sót trên không lớn. Đặc biệt là vết máu thu không đủ lượng, thời gian để kéo dài nên không xác định được vết vân tay”.

Nhân chứng có nhìn thấy Hồ Duy Hải?

Cáo trạng vụ án ghi: “Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện” lúc gây án.

Tuy nhiên, khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án đã không triệu tập nhân chứng này. Trong khi đó biên bản ghi lời khai, nhân chứng Thường chỉ khai “nhìn thấy một thanh niên, và không thể nhận diện được”.

Luật sư Lê Hồng Phong (người bào chữa cho Hồ Duy Hải) đã trực tiếp đi tìm và gặp Đinh Vũ Thường vào ngày 7/12/2011. Thường cho biết anh không được tòa án triệu tập tham dự phiên tòa. Đặc biệt, anh này khẳng định không nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện Cầu Voi.

Từ những thông tin trên, anh Đinh Vũ Thường đồng ý viết một giấy xác nhận, có nội dung: “Tôi xác định, chiếc xe tôi nhìn thấy tại Bưu điện Cầu Voi tối ngày 13/1/2008 là loại xe Dream cao. Tòa án không mời tôi tham dự phiên tòa. Tôi không khẳng định nhận dạng được người thanh niên mà thôi thấy tối hôm 13/1/2008 tại Bưu điện Cầu Voi".

Vật chứng vụ án được mua ở chợ?

Theo cáo buộc, khoảng sau 20h30 ngày 13/1/2008, Hải dùng thớt đánh vào mặt; dùng dao giết nạn nhân N.T.A.H; dùng ghế xếp bằng inox, dao giết nạn nhân N.T.T.V.

Khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát đã ghi nhận, chụp ảnh những vật chứng này nhưng không được thu giữ để truy nguyên, và sau đó cơ quan điều tra có động thái cho người mua mới những vật chứng này để bổ sung, đưa vào hồ sơ vụ án.

Căn cứ vào lời khai của những người dọn dẹp hiện trường là ông Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Tuấn Ngọc, ngày 14/1/2008, trong lúc tham gia dọn dẹp hiện trường họ đã phát hiện một con dao rất mới và sạch, không có dấu vết, được đút vào sau tấm bảng treo đối diện cầu thang nhà bếp, gần chỗ 2 nạn nhân bị giết. Sự việc được báo cho công an xã và huyện nhưng công an bảo rằng “chắc không có gì đâu, bỏ đi”.

Vì vậy, họ đã dùng con dao đó để cạo vết máu còn dính trên nền gạch rồi đem dao đi đốt bỏ. Hôm sau, công an cho tìm lại con dao này nhưng không thấy, kể cả phần lưỡi dao bằng kim loại.

Theo hồ sơ vụ án, khi được cơ quan điều tra yêu cầu, ông Nguyễn Văn Thu ra chợ mua một con dao khác để thay vào. Ông này từng khẳng định: “Tôi xác định con dao này là do tôi mua, giao nộp cho công an”.

Tương tự, tấm thớt được cho là vật chứng mà Hồ Duy Hải dùng để đập đầu nạn nhân N.T.A.H, cũng không được thu giữ khi khám nghiệm hiện trường. Hơn 5 tháng sau, ngày 24/6/2008, Lê Thị Thu Hiếu (bạn của 2 nạn nhân) đi mua một tấm thớt gỗ khác về nộp cho cơ quan điều tra để làm vật mô phỏng.

Bên cạnh đó, theo kháng nghị của VKS Tối cao, đối với chiếc ghế xếp bằng inox, Hải khai dùng đập vào đầu nạn nhân N.T.T.V, biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận ghế có mã số HPN2 447052. Nhưng thời điểm đó, cơ quan điều tra cũng không thu giữ vật chứng này. Mãi hơn 2 tháng sau, công an thu giữ một chiếc ghế inox hiệu Hòa Phát có mã số hoàn toàn khác, là HPM2 44705.

Nếu đúng những vật chứng của vụ án được mua từ chợ để bổ sung vào thì có căn cứ để xác định Hồ Duy Hải là hung thủ hay không? Việc tắc trách trong điều tra thuộc về những ai?

Hồ Duy Hải có phải nghi phạm duy nhất?

Một người tên Nguyễn Văn Nghị đã từng được Công an tỉnh Long An triệu tập chiều 14/1/2008 để làm rõ mối quan hệ với nạn nhân N.T.A.H.

Theo lời kể một số nhân chứng tại khu vực Bưu điện Cầu Voi, đêm 13/1, họ thấy Nghị có mặt tại bưu điện, nhưng sau đó rời đi lúc nào không ai rõ.

Luật sư Trần Hồng Phong cho biết tên Nguyễn Văn Nghị và một người tên Nguyễn Mi Sol có trong biên bản lời khai ngày 14/3/2008 của anh C.H.T.A. (bạn của nạn nhân N.T.T.V). Theo đó, khi được hỏi về bạn bè của 2 nạn nhân, anh T.A. trình bày: “Đối với V. chỉ có tôi, ngoài ra tôi không biết. Đối với H., tôi biết có Sol, Nghị”.

Cũng trong hồ sơ, nhân chứng L.T.T.H. (bạn của hai nạn nhân) trình bày Sol thường ghé thăm H. vào buổi tối và đều ngủ lại. Khi Sol ở lại thì Sol và H. ngủ trên lầu 1.

Trong hồ sơ vụ án, Nguyễn Mi Sol có vai trò là nhân chứng, được cơ quan điều tra cho nhận dạng qua ảnh một số tài sản đeo trên người của N.T.A.H. Biên bản nhận dạng được lập sau khi bắt và tạm giam Hồ Duy Hải.

Tuy nhiên, cả Nghị và Sol được cơ quan điều tra cho về. Toàn bộ thông tin của hai người này sau đó bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án. Luật sư Phong cho biết trong hồ sơ không hề có bản khai nào của Nghị, Sol trước khi Hồ Duy Hải bị bắt; đồng thời cũng không thấy có việc giám định dấu vân tay của 2 nghi can này có trùng với vết máu có dấu vân tay thu giữ tại hiện trường hay không.

12 năm Hồ Duy Hải ở lao tù, nay bản án của Hải sẽ được lật lại nên các chi tiết trong vụ án cần được xem xét một cách thấu đáo, toàn diện.

img

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem