Chưa có quy định giới hạn hàm lượng phenol trong cá

Diệu Linh Thứ hai, ngày 13/06/2016 17:31 PM (GMT+7)
“Các tài liệu tham khảo từ các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật… mà Bộ Y tế tìm hiểu, kết quả cho thấy chưa có bằng chứng phenol gây ung thư. Một người nặng 50-55kg ăn 200 gram cá nhiễm phenol với hàm lượng 0,037mg/kg thể trọng mỗi ngày thì không bị ảnh hưởng xấu về sức khoẻ" - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết.
Bình luận 0

Chiều 13.6, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, sau khi nhận được thông tin Sở Y tế Quảng Trị tìm thấy phenol trong mẫu cá nục với hàm lượng 0,037mg/kg thể trọng, Bộ Y tế đã yêu cầu sở báo cáo.

Theo đó, Sở Y tế cho biết, trong quá trình kiểm tra đã tìm thấy 1 mẫu (trong 6 mẫu xét nghiệm) có phenol. Do đó Sở Y tế đã có tờ trình lên UBND Quảng Trị để đề nghị tiêu huỷ lô cá này chứ chưa có quyết định tiêu huỷ.

Theo ông Long, phenol là chất rắn không màu (trắng) hoặc có thể ở dạng dung dịch. Chất này được tổng hợp trong sản xuất công nghiệp hoặc hình thành trong tự nhiên, đồng thời được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp.

img

Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

Phenol có trong nước thải, không khí hoặc nước ngầm. Người dân có thể bị phơi nhiễm với phenol qua các đường khác nhau như hít thở, qua nước sinh hoạt, nước uống hoặc qua thực phẩm bị phơi nhiễm phenol. 

Những người làm việc sản xuất nylon, nhựa đều có thể tiếp xúc với phenol. Đặc biệt phenol được tìm thấy trong xúc xích, thịt hun khói, thịt ba chỉ rán hoặc trong một số hoa quả tự nhiên như cà chua, táo, lạc, chuối, ca cao, nho đỏ, dâu hoặc sữa với hàm lượng nhỏ. Chuối, lạc có hàm lượng phenol cao hơn.  

“Qua các tài liệu tham khảo từ các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật… mà Bộ Y tế đã tìm hiểu, kết quả cho thấy chưa có bằng chứng phenol gây ra ung thư. Các nghiên cứu cũng cho thấy, liều gây chết 50% các sinh vật thử nghiệm trên chuột là 300-600mg/kg thể trọng. Do đó phải ăn một lượng phenol rất lớn mới có thể nhiễm độc” - ông Long chia sẻ.

Ông Long cũng cho biết thêm, các tài liệu do Cục An toàn thực phẩm đã tham khảo của Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản chưa có cơ quan nào quy định giới hạn phenol trong hải sản. Ngoài ra, một số nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu thực phẩm Châu Âu thì cho thấy, lượng ăn vào hằng ngày chịu đựng được của cơ thể người đối với thực phẩm 0,18mcg/kg thể trọng/ngày (1mg bằng 1.000mcg).

“Trở lại với cá có phenol của Quảng Trị với hàm lượng 0,037mg/kg thể trọng so với các nghiên cứu thì tính ra, 1 người Việt Nam nặng 50 - 55kg ăn cá này, ngày nào cũng ăn 200 gram cá có chứa 0,037mg phenol/kg cá thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ” - ông Long nhận định.

Ông Long cũng nhấn mạnh thêm, các tác hại khi người dân uống phải nước có hàm lượng phenol rất cao như: Phá huỷ đường ruột, phá huỷ da, thậm chí tử vong.

Ông Long cho biết, hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo UNBD và Sở Y tế Quảng Trị lấy thêm mẫu cá khác trên thị trường để xét nghiệm. Từ nay đến khi có kết quả vẫn sẽ niêm phong lô cá đã tìm được mẫu có phenol.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem