Chuyện bất thường ở Sơn La: Hàng trăm ha cao su bị tàn phá

Kiều Thiện Thứ tư, ngày 06/05/2015 07:40 AM (GMT+7)
Trong một thời gian ngắn, hàng trăm ha cây cao su – loại cây được tỉnh Sơn La công khai thừa nhận là “tài sản quốc gia” - ở huyện Mường La bị tàn phá; trong đó có hơn 99ha bị lửa thiêu trụi. Đáng nói là còn hơn 50ha cao su đã đến tuổi thu hoạch cũng vừa bị đốn hạ mà những người có trách nhiệm không hề hay biết.
Bình luận 0

Trong quá trình tác nghiệp về vụ cháy lớn gây thiệt hại gần 100ha cao su tại các xã Mường Bú, Tạ Bú (huyện Mường La) những ngày đầu tháng 4, phóng viên NTNN đã phát hiện một thực tế: Quá trình phát triển “nóng” cây cao su đã có những bất cập, gây ra những hoang mang cho không ít cán bộ, nhân dân nơi đây.

Bỏ rơi người dân

img
Phó Trưởng công an xã Mường Bú-anh Lò Văn Mạnh bên đống thân cây cao su tập trung sau vụ chặt hạ. Ảnh: Kiều Thiện
Mường La là huyện nghèo của cả nước, lại là địa bàn trọng điểm về việc dân góp đất trồng cây cao su của tỉnh Sơn La, bởi vậy hàng ngàn hộ dân ở đây có đời sống rất khó khăn khi phải tham gia trồng cây cao su.

Ông Lò Văn Thời - dân bản Bủng, xã Mường Bú bảo: "Nhà tôi có hơn 5,3ha đất sản xuất nhưng phải góp vào trồng cao su hết. Các khoản chi phí ăn uống, sinh hoạt, học hành… của 6 khẩu trong nhà trông chờ chủ yếu vào thu nhập từ cây cao su. 7 năm qua kinh tế gia đình rất khó khăn vì cây cao su chưa cho thu hoạch mà chỉ có 1 người được làm công nhân có lương.

Mức lương khoán của Công ty CP Cao su Sơn La bây giờ rất cao, như việc phát cây làm đường băng cản lửa, họ tính mỗi ngày công phải phát số cây cỏ với 20m chiều dài, 60m chiều rộng, tức là 1.200m2 thì mới được trả 120.000 đồng. Sức đâu mà phát được như thế, vì vậy làm cao su hiện không đủ ăn.

Tất cả chỉ trông mong vào cây cao su có mủ để có việc làm, có lợi tức, cổ tức. Nào ngờ đến kỳ thu hoạch họ lại chặt đi mà chẳng nói gì với dân về quyền lợi của chúng tôi cả…".

Cũng thừa nhận thông tin này, ông Điêu Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bú, cho biết: “Dù canh tác trên địa bàn của chúng tôi, khi cần gì chúng tôi cũng đến giúp, quyền lợi người dân sau góp đất thế nào thì họ không nói rõ cho chúng tôi. Ngay như việc họ trồng cả ngàn ha cao su trên địa bàn xã này nhưng vào giữa tháng 3 lại tự tiện chặt đi khoảng hơn 50ha cây cao su đã đến tuổi khai thác (trồng năm 2008) mà chúng tôi không hề được thông báo”.

Hơn 50ha cao su biến mất không lý do

Cây cao su ở Sơn La từng được coi là “tài sản quốc gia”, ghi rõ trên nhiều tấm biển quảng cáo lớn ở những nơi công cộng tại địa phương này. Quá trình phát triển cây cao su cũng được triển khai rất ráo riết và được bảo vệ rất chu đáo.

Theo những tài liệu tuyên truyền của Ban chỉ đạo phát triển cây cao su tỉnh Sơn La thì: Cây cao su có vòng tuổi kiến thiết từ 7-8 năm là cho khai thác mủ. Nếu không có mủ, bán gỗ cũng đắt hơn gỗ pơ mu, tức là với thời điểm hiện nay, giá gỗ cây cao su phải khoảng 25-30 triệu đồng/m3. Bởi thế khi phải chuyển từ đất sản xuất hàng năm sang trồng cây cao su, cán bộ và người dân Sơn La luôn mong ngóng đến kỳ cây cho thu hoạch. Vậy tại sao sau 7-8 năm đầu tư kiến thiết cơ bản, người ta lại dứt lòng chặt phá bỏ hàng chục ha một lúc?

Để làm rõ điều này, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với ông Võ Nhật Duy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Sơn La sau hơn 1 tháng vườn cây bị chặt hạ. Ông Duy vẫn khẳng định: "Trước đó chúng tôi chỉ chặt bỏ mấy chục ha ở xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu chứ ở Mường La chưa hề chặt” (?).

Ngày 20.4, chúng tôi trở lại với UBND xã Mường Bú (huyện Mường La) và được lãnh đạo xã bố trí 2 cán bộ dẫn đường. “Các anh cứ đến tận nơi, sẽ tin chúng tôi nói đúng. Việc vào vườn cao su không dễ dàng đâu nên xã bố trí một phó trưởng công an xã cùng một cán bộ địa chính, đảm bảo đi đến nơi về đến chốn an toàn” – ông Lò Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã nói.

Nhờ vậy, chúng tôi đã đến được dải đồi mênh mang đất, đen nhẻm tro bụi với những gốc cây cao su mới chặt hạ, nhựa còn dấp dính, trong đó có nhiều gốc cây đường kính tới gần 20cm và những đống thân gỗ cao su ngổn ngang, chất cao hơn đầu người. Một lần nữa, qua điện thoại, ông Võ Nhật Duy vẫn khẳng định “chúng tôi chưa chặt cao su ở Mương La”.

Còn ông Lê Đình Giai - Bí thư Huyện ủy Mường La và ông Nguyễn Công - Chủ tịch UBND huyện Mường La đều khẳng định: "Chúng tôi chưa nhận được thông báo chặt cây cao su với diện tích lớn như vậy trên địa bàn của Công ty cổ phần Cao su Sơn La...".

Phóng viên NTNN trao đổi với ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT Sơn La về việc hơn 50ha cây cao su bị chặt hạ ở Mường La, thì ông Nghị quả quyết: "Tuy là đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp nhưng chúng tôi không hề có thông tin về vụ việc này. Công ty cổ phần Cao su Sơn La làm gì cũng bí mật" (!?). 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem