Chuyện chưa biết về dịch giả nhí đoạt 2 kỷ lục

Thứ năm, ngày 27/09/2012 13:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có được sự tự tin và thành công như ngày hôm nay, dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam thừa nhận em đã áp dụng đúng nguyên tắc 4T - tự tin, tự lập, tự trọng, tự giác - mà bố từng dạy khi còn nhỏ.
Bình luận 0

Mới 11 tuổi nhưng Đỗ Nhật Nam đã có thâm niên viết lách và dịch sách từ 4 năm trước. Tiếp xúc với em, nhiều người ngạc nhiên về sự tự tin, thông minh và sắc sảo của cậu bé đang nắm giữ hai kỷ lục Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất và Dịch giả nhỏ tuổi nhất VN.

Được thừa hưởng gien con nhà nòi của ông bố TS Đỗ Xuân Thảo và bà mẹ giáo viên Phan Thị Hồng Điệp, Nam sớm có tư duy phát triển lanh lẹ và thông minh khác thường, kết hợp phương pháp giáo dục rất khoa học của bố mẹ.

Làm con gà rừng tự do và nhiều hoài bão

img
Đỗ Nhật Nam

Có được sự tự tin và thành công như ngày hôm nay, Nam thừa nhận em đã áp dụng đúng nguyên tắc 4T - tự tin, tự lập, tự trọng, tự giác - mà bố từng dạy khi còn nhỏ. Nhớ đinh ninh lời bố dạy “Gà rừng trong đầm cỏ đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được một ngụm nước.

Nhưng chúng không cầu mong được sống trong lồng. Mỗi lần con nhờ người khác làm giúp mình một việc gì, nghĩa là con đã tự đan thêm một chiếc nan tự nhốt mình vào lồng”, em đã chọn cuộc sống của một chú gà rừng tự do, mạnh mẽ, tự lập, tự giác.

Bố mẹ Nam cũng thừa nhận cuộc sống học tập và làm việc của em, từ đọc sách, dịch sách, làm MC, chơi thể thao, đóng phim, chơi đàn... đều do em tự lên kế hoạch tỉ mỉ và luôn tự giác thực hiện mà không cần sự can thiệp hoặc tác động của người lớn.

Ở lớp, Nam hoàn thành chương trình học giống như các bạn mặc dù có thể trình độ Nam đã vượt xa bài giảng (nhất là môn tiếng Anh). Với những bài kiểm tra cũ, Nam thường đem ra tự chấm điểm lại, phê chi chít. Em ít khi bằng lòng với những gì mình đã làm được. Nam chỉ nhìn vào những thứ mình chưa biết (là biển cả tri thức), chứ không nhìn vào những thành quả hữu hạn mình đã có được.

Từng đam mê trở thành nhiều nhân vật quan trọng: nhà khoa học nghiên cứu về trái đất, nhà ngoại giao, hoặc một người giỏi giang như Bill Gates... Đỗ Nhật Nam kể: “Đôi lúc con cũng thích trở thành dịch giả nữa nhưng con sẽ quyết tâm để được giàu có như Bill Gates”.

Cách đây 2 năm, khi đang ở độ tuổi lên 9, em từng mong ước trở thành một nhà sinh vật học và trước đó là trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ. Khi được hỏi tại sao lại mong muốn trở thành Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ, chứ không phải là Việt Nam hay nước khác, Nam trả lời sắc sảo: “Bởi vì những vấn đề của nước Mỹ cũng là những vấn đề của thế giới, và làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ khó khăn hơn rất nhiều và cũng phải giải quyết nhiều vấn đề to lớn hơn”.

Tuy nhiên mới đây, dịch giả nhí này lại tuyên bố mình mong ước trở thành một mật mã viên, chứ không phải là một lập trình viên vì nó quá bình thường. “Con thích mật mã, IT và giải cứu thế giới…”, cậu bé giải thích về việc thay đổi này.

Thắng không kiêu, bại không nản

Để con “thắng không kiêu, bại không nản”, anh Thảo - bố của Nam - phải giả mặt lạnh. Trước những thành công “vang dội” của con mình được bao nhiêu người trầm trồ, ông bố ấy chỉ phán “Được!”. Có thể ở tuổi 11, Nam chưa hiểu hết về người bố khắt khe, lạnh lùng nhưng anh Thảo thấy điều đó cần thiết với con. Hai lần nhận kỷ lục, chẳng có bó hoa nào tặng cho Nam.

Không phải anh chị tiếc tiền mua hoa mà chỉ là tránh cho con không khí ầm ĩ, hào nhoáng. Anh chị đã chọn tên Nhật Nam đặt cho con vì bé là người Việt Nam nhưng được sinh ra ở Nhật. Lẽ khác, qua cái tên, họ mong con sẽ mãi là mặt trời mới mọc với tất cả vẻ tinh khôi, trong trẻo và ấm áp.

Khi Nam thi TOEIC lần đầu chỉ đạt 470 điểm, nhiều người, kể cả mẹ em tỏ ý tiếc vì “sức học của con hơn thế” nhưng bố cứ khuyên: “Cuộc đời con còn dài rộng trước mắt. Nếu con cố gắng ôn luyện thì lần sau kết quả sẽ tốt hơn”.

Nếu không nhờ thất bại ở lần đầu thì chắc chắn kết quả thi lần hai của Nam sẽ không đạt đến con số 940. Bố mẹ Nam thường nói: “Thất bại đôi khi cần hơn cả thành công” nên họ không tự hào về điểm số của con mà quan trọng là con đã tiếp thu được gì. Và cả hai cũng thường đóng vai ban giám khảo để đặt con đứng trước những câu hỏi đầy thử thách. Trò chơi này khiến Nam khắc sâu kiến thức và đặc biệt là không lơ là, chủ quan.

Một tấm lòng dành cho mọi người

img
Dịch giả nhí cùng bố mẹ.

Tại Hội sách TP.HCM lần thứ 7 vừa qua, BTC đã dành riêng cho Đỗ Nhật Nam buổi giao lưu xung quanh cuốn tự truyện Tớ đã học tiếng Anh như thế nào của em. Tại đây, Nam cho thấy dù tuổi nhỏ, tài cao nhưng em vẫn luôn khiêm tốn, hòa nhã và lễ phép trong giao tiếp. Dịch giả nhí sẵn sàng chụp hình lưu niệm, làm quen, trò chuyện thân thiện và trao đổi email với mọi người.

Theo bố mẹ Nam, ở lớp, em không bao giờ chê các bạn học dở mà chỉ đôi lúc buồn, thất vọng về ứng xử của một vài bạn. Cách chọn bạn của Nam cũng rất vô tư, không nhất thiết phải là bạn học giỏi, chỉ cần đồng sở thích như mê sách, quan tâm tìm hiểu máy bay, vũ trụ.

Nam từng phiên dịch ở các hội thảo về người khuyết tật cho khoa Giáo dục đặc biệt nơi mẹ giảng dạy. Đi sâu vào từng hoàn cảnh, Nam cảm nhận mình thật may mắn. Từ đó, Nam cho rằng những thành công em có được không mấy to tát, lớn lao. Năm lớp ba, Nam từng từ chối cùng mẹ đi thăm, tặng quà cho các bệnh nhi.

Chị Điệp không hiểu vì sao Nam lại không thích làm một việc tốt như thế khi em cũng đã tham gia hai mùa hè trước. Nam thầm thì với mẹ: “Con cảm thấy sự xuất hiện của mình chỉ khiến mẹ của các bạn bệnh nhi ấy thêm buồn tủi mà thôi. Con sẽ không đến nữa”. Chị Điệp giật mình trước ý nghĩ của con và hiểu con tôn trọng người khác là do con có sự đồng cảm.

Trên hết, Nam là một cậu bé luôn tràn đầy tình yêu thương với bố mẹ, đặc biệt em thừa nhận rất thần tượng bố mình. Chị Điệp chia sẻ ngay từ khi mang thai Nam tại Nhật Bản, chị đã áp dụng phương pháp thai giáo. Năm cậu bé 2 tuổi, khi mẹ hỏi “Cái rốn để làm gì?”, Nam đã trả lời ngay: “Cái rốn để nhắc nhở rằng con từng ở trong bụng mẹ, cái rốn là sự kết nối giữa mẹ và con”.

Mỗi ngày mùa đông, sau khi tắm xong, Nam lại vẽ hình trái tim và câu tiếng Anh “Con yêu mẹ” lên gương nhà tắm mờ hơi nước cho mẹ dễ thấy khi bước vào.

Nam lần lượt thi đỗ chứng chỉ Starter, Mover và Flyer của Trường đại học Cambridge với số điểm tuyệt đối 15/15; hoàn thành các chứng chỉ Anh văn quốc tế: TOEIC 940 điểm, TOEFL ITP 617 điểm, TOEFL iBT 99 điểm. Đặc biệt, Nam vượt qua hơn 100 anh chị sinh viên để đoạt giải Thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh tài năng nhất và giải nhất chung cuộc trong kỳ thi Hùng biện tiếng Anh Wordstorm do CLB nói tiếng Anh Galec tổ chức vào năm 2011.
Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem