Chuyển đổi rừng trồng cao su, 10 năm chưa đòi được tiền bán gỗ

Lê Kiến Thứ sáu, ngày 17/08/2018 19:15 PM (GMT+7)
Thực hiện chương trình chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su, nhiều ban quản lý rừng ở Gia Lai đã giao gỗ cho các doanh nghiệp trúng đấu giá, nhưng 10 năm sau vẫn chưa đòi được tiền bán gỗ.
Bình luận 0

Trầy trật đòi nợ doanh nghiệp

Mới đây, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai có báo cáo theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc tổ chức thi hành các bản án thu hồi tiền nợ đấu giá gỗ tại các dự án trồng cây cao su. Theo đó, từ năm 2008 đến nay có 4 doanh nghiệp nợ gần 10 tỷ đồng tiền mua gỗ đấu giá (nợ gốc hơn 6,8 tỷ đồng) tại các ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH): Ia Meur, Ia Púch và Ayun Pa.

Đây là số gỗ do các BQLRPH nói trên tận thu, tổ chức bán đấu giá khi UBND tỉnh Gia Lai chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su vào năm 2008. Tuy nhiên quá trình đấu giá, bán tài sản có nhiều “mập mờ”, gỗ được thanh lý sạch sẽ nhưng tiền không nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Cũng theo Cục Thi hành án dân sự Gia Lai, trong đó Công ty TNHH Minh Thành (xã Ia Der, huyện Ia Grai) nợ BQLRPH Ia Muer (huyện Chư Prông) hơn 3,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Đức Thịnh (xã Phú An, huyện Đắk Pơ) nợ BQLRPH Ia Púch (huyện Chư Prông) gần 1,9 tỷ đồng, Công ty TNHH Cường Thịnh Phát (52 Trần Nhân Tông, TP Pleiku) nợ BQLRPH Ayun Pa hơn 487 triệu đồng, Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp Đức Thiện (phường Thống Nhất, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) nợ BQLRPH Ia Púch hơn 800 triệu đồng.

img

Các DN trúng đấu giá đã bán gỗ từ 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa trả hết tiền (ảnh minh họa)

Điều đáng nói là từ năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu 3 BQLRPH trên phải thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, nhưng đến nay 3 đơn vị mới nộp được khoảng 1,4 tỷ đồng, còn lại hơn 6,8 tỷ đồng nợ gốc, chưa kể lãi chậm nộp.

Thả gà ra đuổi?

Để đòi số nợ trên, từ nhiều năm nay các BQLRPH đã khởi kiện ra tòa, rồi liên tục gửi đơn cho các chi cục thi hành án dân sự nhưng không có kết quả vì có doanh nghiệp đã bỏ trốn, có doanh nghiệp ngừng hoạt động, không còn  tài sản để cưỡng chế thi hành án.

Cụ thể, năm 2013 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ia Grai ra quyết định thi hành án buộc Công ty TNHH Minh Thành trả cho BQLRPH Ia Meur hơn 3,8 tỷ đồng sau đó phải "lắc đầu" vì công ty không có tài sản. Đến năm 2015, BQLRPH Ia Meur lại có đơn yêu cầu thi hành án, được Chi cục Thi hành án huyện Ia Grai trả lời: “Công ty không có tài sản thi hành, trụ sở bỏ hoang, ngừng hoạt động”. Trong khi đó Chi cục thuế TP Pleiku cho biết công ty này đang nợ thuế và tiền chậm nộp hơn 1,5 tỷ đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai xác nhận chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.

Tại huyện Đắk Pơ, Chi cục thi hành án cũng trả lại đơn yêu cầu thi hành án của BQLRPH Ia Púch đối với Công ty Đức Thịnh (nợ hơn 1,8 tỷ đồng). Mặc dù sau đó BQLRPH Ia Púch tiếp tục có đơn yêu cầu thi hành án, nhưng cơ quan thi hành án đành “bó tay” vì công ty không có tài sản.

Tương tự, Công ty TNHH Cường Thịnh Phát (TP Pleiku), Xí nghiệp Đức Thiện (TP Kon Tum) cũng không có khả năng trả nợ cho BQLRPH Ia Púch và BQLRPH  Ayun Pa.

img

Xưởng gỗ của Công ty TNHH Minh Thành tại huyện Ia Grai xơ xác, tiêu điều 

Liên quan đến vụ việc trên, Cục Thi hành án dân sự đề nghị Sở NN&PTNT Gia Lai kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời yêu cầu các BQLRPH tiếp tục làm đơn yêu cầu xác minh, thi hành án để thu nợ.

Trước đó Sở NN&PTNT Gia Lai đã tiến hành xử lý các cá nhân vi phạm bước đầu. Theo đó đã kỷ luật khiển trách ông Nay Rcom Jem - Trưởng BQLRPH Ayun Pa và 4 nhân viên; cách chức ông Trần Văn Lạc - Trưởng BQLRPH Ia Meur và cảnh cáo ông Trần Văn Thưởng - Phó ban; cảnh cáo bà Nguyễn Thị Hương - nguyên Trưởng BQLRPH Ia Púch, khiển trách ông Nguyễn Quốc Toản - nguyên Phó trưởng ban. Đối với Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, Hạt trưởng Nguyễn Văn Cường cũng bị cách chức, 3 cán bộ khác bị cảnh cáo và khiển trách.

Về nguyên nhân sự việc, Sở NN&PTNT Gia Lai cho rằng: “Năm 2008 do kinh tế toàn cầu suy thoái ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng đến các DN nên các DN mua gỗ tại các BQLRPH rơi vào tình trạng phá sản”. Mặt khác, do các BQLRPH chủ quan, chưa nắm rõ năng lực tài chính các DN tham gia đấu giá nên dẫn đến DN không có khả năng trả nợ sau khi nhận hết gỗ.

Nhưng tại sao khi các DN trúng đấu giá chưa nộp tiền, các BQLRPH đã vội vàng giao hết gỗ?, câu hỏi này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Rõ ràng các BQLRPH đã có dấu hiệu làm trái quy định, gây thất thoát hàng tỷ đồng ngân sách, cần được xử lý nghiêm minh hơn.

Theo luật sư Tạ Quang Tòng - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, trong quy trình đấu giá tài sản, doanh nghiệp nào trúng đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của bên bán rồi mới được lấy tài sản trúng đấu giá. “Không có chuyện lấy tài sản đấu giá rồi nói nợ tiền được, nếu BQLRPH chưa thu tiền mà cho phép doanh nghiệp lấy tài sản trúng đấu giá là sai. Trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá giải thể thì BQLRPH sẽ bị xem xét hành vi “có dấu hiệu cố ý làm trái”, trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Tòng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem