Chuyện ghi ở đảo... hứa Quan Lạn: Những nghịch lý buồn

Thứ tư, ngày 01/08/2012 08:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Quan Lạn toàn xe “túc túc” Trung Quốc; có những dự án làm hại dân, phá rừng... Đó là những thực tế đáng buồn ở đảo nhỏ này.
Bình luận 0

Xe lậu Trung Quốc tung hoành

Đứng dưới biển nhìn lên cầu cảng Quan Lạn, tôi thấy một dãy xe “túc túc” màu đỏ đậm đặc chất Trung Quốc chờ đón đưa khách về chỗ nghỉ. Trên đường, ngoại trừ các xe máy chạy lẻ mang hiệu Honda hay các loại khác giống đất liền, tôi nhìn thấy nhiều hơn và cuối cùng được biết rằng, ở Quan Lạn này xe chở khách chỉ có 1 loại duy nhất là “túc túc” (loại xe 3 bánh phổ biến ở Thái Lan) nhập từ Trung Quốc. Xe chở được hơn 10 người, tất cả cùng màu đỏ, hàng chữ Hán to, số điện thoại ghi bên sườn… tất cả đều là Trung Quốc “gin”.

img
Dãy xe “túc túc” nhãn hiệu Trung Quốc chờ khách ở khu du lịch Vân Hải.

Tôi hỏi về nguồn gốc thì được biết: Ai có nhu cầu chỉ cần bỏ ra hơn 40 triệu đồng sẽ có người đem xe về tận nơi. Bên hông mỗi xe có con số: 32, 58, 70… Duy có số ấy là của Việt Nam. Nơi cấp số là Ban quản lý bến cảng. Chủ xe có thể tự xin số, lấy năm sinh của mình chẳng hạn. Nguyên nhân ra đời con số ấy là thế này: Trước đây tình trạng giành khách, bắt chẹt giá đã xảy ra trong giới bác tài “túc túc”. Khi Quan Lạn bắt đầu muốn làm ăn bằng du lịch, chính quyền xã cho thành lập Trung tâm Dịch vụ xe lam, giá vé từng chặng được niêm yết. Bác tài thu đúng, khách trả đủ.

-Dù gì thì xe này vẫn là nhập lậu? - Tôi nói với một bác tài chuyên chạy cho khách sạn Đại Dương Xanh.

-Thì công an, lãnh đạo huyện tỉnh ra đây cũng nói nhiều lần chuyện này. Nhưng như anh thấy đấy, nếu không dùng “con” này thì lấy “con” gì thay thế bây giờ.

Biết là không đúng luật, nhưng cả chính quyền lẫn người dân đều… biết làm gì bây giờ!

Tôi tạm không quan tâm lắm đến khía cạnh luật pháp của các xe “túc túc” ở đây. Tôi chỉ cảm thấy rằng, ở đất liền câu chuyện hàng Trung Quốc lúc nào cũng xen vào làm rối cuộc sống của người Việt. Ra đảo, thứ đập vào mắt đầu tiên vẫn lại… ông Trung Quốc đứng trên cảng hềnh hệch chờ chở mình. Tê không để đâu cho hết.

Xem ra tranh thủ lúc các quan chức, chuyên gia, báo chí Việt Nam mải miết tranh cãi nhau về chiến lược, tầm nhìn phát triển giao thông, thu hay không thu phí… khiến ngành công nghiệp chế tạo phương tiện đi lại cho dân mất phương hướng thì các hãng cơ khí nhỏ Trung Quốc sát biên giới lặng lẽ từng bước chiếm thị trường. Nhìn vào chiếc xe này thì biết.

Xe máy kéo thì Việt Nam có đầy (tuy chưa phải chuyên cho “túc túc”), cái thùng chở khách thì quá đơn giản với ông thợ gò phố huyện. Vậy tại sao trong lúc thợ cơ khí Việt Nam thất nghiệp thì những thị trường như Quan Lạn lại bị nước khác tung hoành? Dĩ nhiên nhập thì có thể rẻ hơn nhưng chẳng lẽ cứ cái gì rẻ thì nhập, trong nước không làm nữa.

Những thực tế vô lý...

Nhìn những chiếc “túc túc” đỏ lựng màu Trung Quốc tung hoành trên đảo Quan Lạn, là người Việt tôi thấy xấu hổ. Mà chắc chắn không chỉ có Quan Lạn. Quảng Ninh rất nhiều xã đảo, Việt Nam rất nhiều huyện, xã gần biên giới Trung Quốc.

Trong khi các thứ hàng hóa Trung Quốc xâm lấn dần chiếm lĩnh thị trường của mình thì dân ta cứ quay qua làm khổ nhau. Ngay như Quan Lạn mới bừng tỉnh chút thôi trong cơn mơ du lịch đã bắt đầu ẩn chứa nhiều hệ lụy. Hôm ở ủy ban xã, tôi thấy ông chủ tịch đang phải ngồi nghe mấy hộ kiện tụng chuyện đất đai. Anh cán bộ văn phòng bảo: Khổ thế đấy, đất trước đây cho nhau chẳng buồn lấy, bây giờ mới nghe nói làm đường đã kiện nhau tưng bừng... Rồi chuyện khu bãi biển Vân Hải do Công ty cổ phần Viglacera quản lý. Nơi đây vốn được tỉnh cho Viglacera khai thác cát. Cát hết, công ty này quây luôn cả bãi biển để kinh doanh du lịch. Ai muốn ra bãi tắm phải mua vé 20.000 đồng/lượt, cả những người không sử dụng dịch vụ gì của công ty. Ai đến đây cũng lấy làm bực bội.

Nhiều người dân bức xúc chuyện Công ty TNHH VIT Hạ Long được giao đất trồng rừng và phát triển du lịch nhưng đến nay việc họ thành công nhất là cạo trọc cánh rừng thông cổ thụ tuyệt đẹp chạy dọc bãi biển.

Còn một chuyện nữa ở đây mà đi đến đâu cũng thấy dân bức xúc nhưng tôi chưa có dịp tìm hiểu kỹ. Ấy là Công ty TNHH Thương mại và Du lịch VIT Hạ Long lập dự án trồng rừng và phát triển du lịch sinh thái cách đây dăm bảy năm. Dự án đâu gần chục ha còn bỏ hoang, tỉnh lại mới duyệt thêm cho mấy chục ha nữa. Dân ở đây bảo, thứ mà công ty này đã làm được duy nhất là phá thành công một cánh rừng thông cổ thụ tuyệt đẹp chạy dọc bãi biển.

Lại nghĩ Việt Nam mình bây giờ thế. Toàn thích những dự án hoành tráng, những công trình siêu lớn, những kỷ lục không ai có. Để rồi, những câu chuyện kiểu như 10.000 đồng hỗ trợ một gia đình một tháng; cái tăm, cái xe “túc túc” Trung Quốc len lỏi từng mâm cơm, ngõ ngách đường làng Việt Nam như ở Quan Lạn này thì chẳng ai để ý nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem