Chuyên gia kinh tế: “Lo ngại lạm phát quay trở lại”

Thứ hai, ngày 27/08/2012 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Tháng 9, yếu tố thời tiết sẽ phức tạp hơn, chuẩn bị cho năm học mới, giá xăng dầu thế giới có thể tăng cao... chắc chắn sẽ tác động tới thị trường nội địa", chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh bày tỏ.
Bình luận 0

Không thể khẳng định là giảm phát

CPI tháng 8 đã đảo chiều tăng, theo ông nói lên điều gì trong bối cảnh nhiều khó khăn của nền kinh tế chưa được giải quyết?

img
Giá cả tháng 8 đã tăng trở lại sau 2 tháng liên tiếp nằm ở mức âm.

- Tôi cho rằng kết quả này không có gì ngạc nhiên nhưng việc đảo chiều quả là hơi sớm. Khi quan sát CPI thông thường được phân tích theo 3 lớp: CPI tháng 8 đã tăng 5,04% so với tháng 8.2011, tăng 2,86% so với tháng 12.2011, CPI bình quân 8 tháng qua tăng 10,41% so với bình quân cùng kỳ 2011.

Như vậy nếu lấy năm 2009 để so sánh thì thấy, năm 2009 chỉ số bình quân cùng kỳ năm trước rơi vào 2% nhưng hiện nay là 5,04%. Trong khi đó, bình quân CPI 8 tháng lại là 10,41%, còn con số này hiện nay gần tương đương của năm 1998 và 2004. Lúc đó lạm phát tính theo năm là 9%. Rõ ràng, tính theo năm thì chỉ số lạm phát thấp, nhưng theo tháng là cao.

“Năm 2012, đâu đó việc giảm phát được cảnh báo, nhưng tôi cho rằng, cái đáng lo không phải là giảm phát mà vẫn là lạm phát. Chỉ số CPI tháng 8 tăng thì lạm phát rất có thể quay trở lại chứ không phải là thoát khỏi giảm phát”.

TS Vũ Đình Ánh

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ số CPI tăng trở lại sau nhiều tháng "âm" là điều đáng mừng?

- Nếu nói đáng mừng thì cần phải cân nhắc kỹ. Hai tháng trước, tháng 6 và tháng 7 chỉ số giá tiêu dùng lần lượt âm nhưng không thể khẳng định là giảm phát. Đầu năm 2012, đâu đó việc giảm phát được cảnh báo, nhưng quan điểm cá nhân tôi cho rằng, cái đáng lo không phải là giảm phát mà vẫn là lạm phát.

Chỉ số CPI tháng 8 tăng, lo ngại lạm phát rất có thể quay trở lại, chứ không phải là thoát khỏi giảm phát. Hiện nay, nhiều yếu tố tăng giá đang tiềm ẩn. Chẳng hạn như bước vào tháng 9 yếu tố thời tiết sẽ phức tạp hơn, chuẩn bị cho năm học mới, giá xăng dầu thế giới có thể tăng cao, ắt sẽ tác động thị trường nội địa.

Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát của Việt Nam luôn trong vòng luẩn quẩn, 2 năm tăng mạnh và 1 năm giảm mạnh?

- Nhìn qua thì chúng ta thấy rằng quy luật 2 tăng, 1 giảm này có vẻ đúng. Chẳng hạn như năm 2007, 2008, lạm phát tăng đến 2 con số. Sau đó vào năm 2009, lạm phát thấp xuống. Rồi bước sang 2010, 2011, lặp lại mức tăng xấp xỉ 20%.

Năm nay với kết quả 8 tháng đầu năm, lạm phát có vẻ đi xuống. Nhưng nếu nhìn ra cả một quá trình dài thì quy luật 2 tăng, 1 giảm được đưa ra khá vội vàng. Năm 1995, chúng ta có lạm phát tới 3 con số. Nhưng đến năm 2007, chúng ta mới thấy lạm phát tăng lại 2 con số. Vì vậy nói là quy luật là vội vã và nếu nói lạm phát 2 con số luôn rình rập cũng không phải, bởi lạm phát 2 con số chỉ mới xuất hiện gần đây cho nên không thể nói là quy luật.

Không nên chạy theo tăng trưởng tín dụng

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ là nguyên nhân gây ra lạm phát. Thậm chí kinh tế Việt Nam có dấu hiệu bơm tiền để có chỉ số giá tiêu dùng tăng sau nhiều tháng giảm ?

- Về mặt quy mô, nền kinh tế Việt Nam là nhỏ khi so với thế giới. Do vậy, chúng ta phải đặt mục tiêu là tăng trưởng, tôi hoàn toàn đồng tình với mục tiêu này. Nhưng làm thế nào để tăng trưởng lại là một bài toán khác. Trong suốt thời gian vừa qua, chúng ta mải bơm tiền, bơm vốn để duy trì đà tăng trưởng 7%. Chúng ta lệ thuộc nhiều vào vốn trong khi đó dựa vào năng suất là khá hạn chế. Việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài cũng hạn chế. Do vậy gây ra bất ổn vĩ mô và lạm phát.

Dường như mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở mức 7-8% có thể thực hiện được. Nhưng lại lo ngại rằng, năm 2013 lạm phát có thể cao trở lại nếu như tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa?

- Tôi khẳng định rằng, chính sách tài khóa sẽ có ảnh hưởng ngay tới lạm phát. Cơ quan quản lý cũng nói từ nay đến cuối năm sẽ tăng cường chi tiêu công. Thậm chí, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính còn nói cho các địa phương ứng trước vốn năm 2013 để giải quyết đẩy nhanh tiến độ các công trình.

Chúng ta đang tập trung chi tiêu công, vì vậy có tác động ngay con số lạm phát. Còn chính sách tiền tệ, độ trễ tác động dài hơn, phải sau 4 đến 5 tháng. Theo như Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói thì năm nay cố gắng tăng trưởng tín dụng 15% nhưng thực ra chỉ có thể hoàn thành được một nửa mục tiêu. Tức là tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012 chỉ dừng lại ở 7- 8%.

Hiện nay, sau 8 tháng, tốc độ tăng cũng chỉ hơn 1%, có nghĩa là còn hơn 4 tháng nữa sẽ phải đổ tiền ào ạt. Do vậy độ trễ của chính sách sẽ tác động vào đầu năm 2013.

Không thể xem thường lạm phát quay trở lại, vậy theo ông cần có biện pháp gì?

- Chúng ta phải kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ với chính sách giá. Vì lạm phát là chỉ số tính theo năm và hoạch định theo năm nên chúng ta cần những chính sách dài hơi.

Hiện nhiều ngân hàng đang rầm rộ tung các chương trình kích thích tín dụng. Đây cũng là một biện pháp giúp doanh nghiệp phục hồi. Ông đánh giá thế nào?

- Việc giảm lãi suất, thời gian qua là nỗ lực của ngân hàng. Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định, hiện chúng ta cần nâng cao chất lượng tín dụng chứ không phải cứ chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cái thời tăng trưởng kinh tế song hành cùng tăng trưởng tín dụng đã xưa rồi. Nếu cứ chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, vô tình chúng ta đẩy doanh nghiệp vào rủi ro đạo đức. Và rồi tình trạng vay vốn đổ vào những lĩnh vực rủi ro, ăn xổi, không liên quan đến sản xuất kinh doanh như thời gian trước lại lặp lại.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem