Chuyên gia Mỹ nói về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông: Những hành vi xâm lược tham lam

Mai Tiến Dũng (tổng hợp) Thứ ba, ngày 15/07/2014 06:42 AM (GMT+7)
Nhận định này của nhiều chuyên gia Mỹ được báo The Straits Times của Singapore đăng tải ngày 13.7 trong bài viết về Hội thảo quốc tế về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS tổ chức tại Mỹ. 
Bình luận 0

Theo The Straits Times, hầu hết các diễn giả cuộc hội thảo đều có những lời lẽ cứng rắn đối với Bắc Kinh, đề nghị Mỹ tiến hành một chiến lược kỹ lưỡng để buộc Trung Quốc phải trả giá cho mỗi hành động khiêu khích.

Theo những chuyên gia này, các động thái mà Mỹ cần có gồm việc tăng cường các chuyến bay trinh sát công khai trên các khu vực tranh chấp, để cho lực lượng Trung Quốc thấy rõ, cung cấp trang thiết bị cho các đồng minh, cử chiến hạm Mỹ ghé nhiều cảng hơn trong khu vực, và tăng số lượng các cuộc tập trận đang được thực hiện trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại hội thảo, Nghị sĩ Mỹ Mike Rogers nhấn mạnh, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã lộ rõ nguyên hình là những hành vi “xâm lược tham lam”. Ông cảnh báo là thái độ bất động trước các hành vi đó sẽ mang lại “một cái chết do hàng ngàn vết cắt”. Theo nhật báo The Straits Times, tại cuộc hội thảo ở Washington, Trung Quốc cũng bị chỉ trích kịch liệt về thái độ không chấp nhận đưa bất kỳ vấn đề tranh chấp nào ra trước một tòa án quốc tế. Nhiều học giả khác cũng đồng quan điểm khi cho rằng, Trung Quốc đang ngày càng ngang ngược và điều đó phần nào phản ánh được sự “chưa thực sự cứng rắn” từ chính quyền Mỹ.

Giới chuyên gia Mỹ dù kêu gọi Chính phủ Mỹ phản ứng cứng rắn hơn với Trung Quốc, song vẫn tỏ ra hoài nghi về hành động thực tế của Washington. Trên thực tế, từ sau việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc liên tiếp đưa ra những tuyên bố, yêu sách và luận điệu vô cùng phi lý.

Mới đây nhất, ngày 12.7, Trung Quốc tuyên bố đang chuẩn bị đăng ký “Con đường tơ lụa biển” lên UNESCO, với lý do rất vô lý là bảo vệ các địa điểm khảo cổ ở Biển Đông. Ông Wang Yiping - người đứng đầu cơ quan di sản văn hóa của tỉnh Hải Nam đưa ra thông tin nói trên và cho rằng, xác của các tàu đắm ở 2 đảo mà Trung Quốc gọi là Shanhu và Jinyin (Hoàng Sa và đảo Quang Ản thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) sẽ được khai quật trong vòng 2 năm tới.

Gần như cùng thời điểm, báo Inquirer của Philippines cho biết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã ngang ngược tuyên bố rằng, các hoạt động khai thác dầu khí của công ty nước ngoài ở vùng biển Trung Quốc tranh giành với các nước trên Biển Đông mà không có sự cho phép của Trung Quốc là “bất hợp pháp”. Đây là những động thái gây căng thẳng mới nhất nằm trong âm mưu độc chiếm Biển Đông màTrung Quốc đang tiến hành.

   Giới chuyên gia cho rằng, nếu không có chiến lược buộc Trung Quốc phải trả giá cho những hành động ngang ngược, Biển Đông vẫn còn tiếp tục “dậy sóng” và nguy cơ bất ổn trên vùng biển này sẽ đe dọa đến an ninh của khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem