Chuyện tình sau bộ ảnh cưới bên xe lăn của cặp vợ chồng Yên Bái

Thứ hai, ngày 11/06/2018 06:47 AM (GMT+7)
Hơn nửa thế kỷ cùng nhau trải qua biết bao vui buồn, sướng khổ nhưng tình cảm của vợ chồng ông Võ Đăng Nai (91 tuổi) và bà Võ Thị Sâm (85 tuổi) ở Yên Bái vẫn đong đầy.
Bình luận 0

img

Vợ chồng ông Võ Đăng Nai và bà Võ Thị Sâm (Yên Bái).

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày cưới, ông bà được Võ Trần Nam (SN 1993), người cháu ngoại chụp cho bộ ảnh cưới đặc biệt. Bằng tình yêu rất đỗi giản dị và mộc mạc, ông bà đã cùng nhau viết nên câu chuyện tình đầy xúc động.

Không màu mè, không cầu kỳ hoa mỹ, chỉ có nụ cười hạnh phúc của ông bà làm chất liệu cho bộ ảnh.

img

Vì lý do thính lực suy giảm, ông không nghe hết được những gì bà nói nhưng mỗi ngày bà đều thủ thỉ, tâm tình với ông.

Chia sẻ với VietNamNet, Võ Trần Nam cho biết, ông bà cậu vốn là người Quảng Bình. Đất nước có chiến tranh, cũng như lớp thanh niên thời đó, họ lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc và nhân duyên đưa đẩy khiến đôi trai gái gặp nhau ở nơi đất khách quê người.

img

Gặp nhau nơi đất khách quê người, ông bà đã viết nên câu chuyện tình chan chứa cảm xúc.

Hai con người cùng cảnh ngộ xa gia đình, là đồng hương, đồng chí. Bằng sự thấu hiểu và đồng điệu, họ về chung một mái nhà.

Kết hôn xong, hai vợ chồng quyết định về Yên Bái sinh sống, lập nghiệp, coi như quê hương thứ hai của mình.

img

Lúc đau khổ hay hạnh phúc. Khỏe mạnh hay bệnh tật ông bà vẫn bên nhau, đưa nhau qua bao giông bão cuộc đời.

Trái ngọt của cuộc hôn nhân đó mang đến cho họ 4 người con, 3 nữ 1 nam. Từ bé Trần Nam được sống cùng ông bà ngoại. Giờ đây, 65 năm trôi qua nhưng những cảm xúc yêu thương ông bà dành cho nhau vẫn đong đầy.

img

Họ đã cùng nhau đi trên một hành trình dài 65 năm.

Võ Trần Nam kể: “Ông mình bị tai biến 3 lần, sức khỏe ngày càng yếu. Giờ ông không tự đi lại được mà phải phụ thuộc vào xe lăn.

Tinh thần cũng không còn minh mẫn như trước, giọng nói ngọng ngịu, thính lực giảm. Đôi khi tính nết thất thường, bà xúc cơm cho ông ăn nhưng ông quát mắng, hất đổ cả bát cơm. Mỗi lần như vậy bà lại vỗ về rồi nịnh chồng ăn.

Ông vùng vằng không ăn, bà vẫn kiên nhẫn ngồi bên cạnh, nắm lấy tay ông. Hai người có hôm cứ ngồi như vậy cả tiếng đồng hồ.

Dẫu biết ông chẳng nghe rõ nhưng hàng ngày bà đều ở bên, thủ thỉ kể cho ông nghe những kỷ niệm cũ của hai người. Chứng kiến khoảnh khắc đó, không ít lần mình rơi nước mắt vì cảm phục tình yêu của ông bà”.

img

"Hạnh phúc không ở đâu xa mà nó hiện hữu ở bên ta, là những điều giản dị, mộc mạc nhất".

Theo lời Trần Nam, mỗi khi ông quát mắng bà, bà đều im lặng. Bà nói với cậu, im lặng không có nghĩa là giận hờn mà là sự thấu hiểu. Cả thanh xuân bà đã bên ông thì đến giờ vẫn vậy.

“Bà mình từng nói, trong tình yêu đôi lứa, các cặp đôi phải mất bao nhiêu lâu mới gặp được nhau, phải lòng nhau và quyết định đến với nhau. Hà cớ gì không giữ nhau cho trọn vẹn đến cuối con đường.

Yêu nhau không chỉ là yêu, là hạnh phúc mà còn là hiểu và thương nhau, chia sẻ với nhau", 9x bồi hồi kể tiếp.

img

Dẫu tuổi đã cao, bệnh tật ập đến nhưng bà vẫn hi vọng có thể cùng ông sống thanh thản mỗi ngày.

Ngày còn nhỏ tuy chưa hiểu chuyện đời nhưng cậu đã cảm nhận được sự quan tâm, ân cần của ông bà dành cho nhau. Lúc khỏe mạnh, mỗi buổi chiều ông đều giúp bà nấu cơm, cùng đạp xe, nắm tay nhau “đi khắp thế gian”.

Một lần, ông bà được UBND phường mời lên chụp ảnh kỷ niệm ngày Truyền thống người cao tuổi Việt Nam vào tháng 6.

Trước khi đi, tự tay ông chọn đồ cho bà, bộ nào chưa vừa mắt ông bảo bà phải thay bộ khác. Đến khi nào ông thấy ưng mới thôi.

Do nhà gần phường nên hôm đó hai ông bà khoác tay nhau đi bộ. Vào chụp ảnh, ông ân cần chỉnh sửa cho bà từ nếp áo đến mái tóc.

img

Trần Nam chia sẻ từ ngày bệnh nặng, ông thay đổi tính nết, hay quát mắng mọi người nhưng bà đều nhẫn nại, ân cần chăm sóc ông.

“Ngày trước, ông chẳng bao giờ to tiếng với bà. Hễ ông bảo đi đâu, chỉ cần bà cau mày là ông ở nhà. Bữa cơm, ông bận việc ra ngoài, bà đợi bằng được chồng về ăn cùng", Trần Nam nhớ lại.

Thời gian ông bắt đầu trở bệnh, bà lo lắng túc trực, xem giờ cho chồng uống thuốc. Bà còn tự tay xuống bếp nấu cháo cho ông ăn. Bởi bà hiểu, ông muốn ăn cháo có hương vị gì. Dẫu tuổi đã cao, bệnh tật ập đến nhưng bà vẫn hi vọng có thể cùng ông sống thanh thản mỗi ngày.

img

Gặp nhau là duyên, bên nhau là phận. Hà cớ gì không giữ nhau cho đến tận cuối con đường.

Vậy đó, hãy yêu như thể bạn trong tim họ và họ trong tim bạn. Hạnh phúc chẳng ở đâu xa mà rất gần vì nó nằm trong tay của bạn thôi. Hãy mỉm cười, hãy gieo hạt, hãy chăm tưới nước, cây tình yêu của bạn sẽ lớn và tỏa bóng ngợp trời nhanh thôi!

Mọi chuyện không thể hoàn hảo theo cách mà bạn muốn, nhưng hãy sống và yêu thương trọn vẹn mỗi phút giây!

Thục Ninh (VietNamNet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem