Có già làng làm gương, bản làng bớt dần người hút thuốc

Thu Hà Thứ tư, ngày 16/08/2017 06:06 AM (GMT+7)
Hút thuốc đã trở thành thói quen lâu đời của đồng bào dân tộc ở một số vùng miền; chính vì vậy, việc xây dựng bản làng không khói thuốc lá không hề dễ. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là lấy già làng, trưởng bản làm đầu tàu gương mẫu trong việc cai, giảm thuốc lá, nhiều địa phương ở vùng cao đã phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.
Bình luận 0

Từ tấm gương trưởng bản

Trước đây ở bản Cu Pua (huyện Đakrông, Quảng Trị) người dân coi thuốc lá, rượu như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Đàn ông ở bản hầu như ai cũng hút thuốc, uống rượu, còn cánh chị em phụ nữ cũng không kém cạnh. Cứ 10 người phụ nữ trong bản thì có đến 9 người hút thuốc. Thế nhưng, đã 10 năm nay, người dân trong bản Cu Pua thay đổi rất nhiều. Không còn ai hút thuốc và uống rượu nữa, người nào cũng hiểu được tác hại đối với sức khỏe và kinh tế của việc uống rượu và hút thuốc. Ban đầu, những người già như ông Hồ Ốt, bà Giả Trức... là người đi đầu bỏ hút thuốc lá, rồi đến những người trẻ...

img

Từ tấm gương của các già làng, trưởng bản, nhiều bà con dân tộc thiểu số đã nói không với thuốc lá (ảnh minh họa). Ảnh: T.H

Già làng, trưởng bản hiểu sâu về văn hóa cộng đồng, cùng ngôn ngữ, phong tục tập quán với đồng bào, nên họ có cách vận động tuyên truyền phù hợp với đồng bào dân tộc mình tạo nên sự đồng thuận và hưởng ứng của bà con trong thôn, bản”.

Ông Triệu Hồng Sơn

Từ tấm gương của những người đầu tiên đoạn tuyệt được với thuốc lá, men rượu trên, đến nay gần như 100% dân bản Cu Pua đã nói không với thuốc lá. Có được kết quả này, phải nói đến công lao của “già làng” Hồ Ê Nốt rất lớn. Ông là một cán bộ văn hóa thôn, là người rất gương mẫu, vận động từng hộ gia đình làm theo.

Già Hồ Ê Nốt cho biết, chuyện không uống rượu, hút thuốc lá đã trở thành luật bất thành văn ở bản từ hơn chục năm rồi, ai cũng hiểu và chấp hành nghiêm túc. Điểm thuận lợi để dân bản thực hiện nghiêm túc và duy trì được việc bỏ thuốc lá, rượu bia là do phần lớn họ có ý thức tự giác cao. Bản thân Ê Nốt cũng là người rất gương mẫu, từ nhỏ đến bây giờ anh chưa hề đụng đến giọt rượu bia hay điếu thuốc nào. “Nhiều người bảo bóng gió với mình rằng đời mà không có rượu bia, thuốc lá thì còn gì là đời nữa. Mình cũng hiểu ý người ta muốn nói nhưng thật tình là mình cảm thấy không thích thì mình không uống, không hút. Mình cảm thấy thoải mái, khoẻ khắn chứ không hề buồn chút nào” - Ê Nốt cho biết.

Nhân rộng mô hình

Cũng là tấm gương điển hình để làng bản noi theo trong phong trào nói không với thuốc lá có già làng Sùng A Giáo, ở bản Nà Ón (xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa). Bản này suốt 20 năm qua không có người say rượu, không ai hút thuốc lào, cũng chẳng đối tượng nào nghiện ma túy.

Già làng Sùng A Giáo cho biết: “Gần 20 năm rồi Nà Ón không còn ai hút thuốc lào cả. Đối với bà con dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa và sự hiểu biết còn nhiều hạn chế. Để họ thay đổi cách nghĩ nếp làm, người cán bộ phải khéo léo, sáng tạo các phương pháp tuyên truyền, vận động. Nội dung tuyên truyền không dài dòng, trừu tượng mà phải dẫn chứng cụ thể thì bà con mới hiểu được. Đơn cử như, hút thuốc lào không vi phạm pháp luật nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Thông tin từ Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số hút thuốc lá rất cao. Thực tế, cũng không hiếm trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số hút thuốc, thậm chí có nơi phụ nữ từ 30 tuổi trở lên chiếm đến 50% số người hút thuốc lá. Điều đó đòi hỏi cần tăng cường công tác tuyên truyền đưa chính sách, pháp luật về với buôn làng nhằm thay đổi triệt để hành vi, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của đồng bào.

Mặc dù trong những năm gần đây, việc đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về với buôn làng đã được đẩy mạnh, tuy nhiên do đồng bào dân tộc chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa; nhận thức về tác hại của thuốc lá còn hạn chế, bị ảnh hưởng thói quen hút thuốc lá từ lâu đời... nên việc tuyên truyền còn gặp nhiều trở ngại, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo ông Triệu Hồng Sơn - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Dân tộc, để thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số không hề dễ. Cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các tuyên truyền viên pháp luật thì việc phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết.

“Chỉ khi già làng, trưởng bản đứng ra tuyên truyền thì mới tác động mạnh đến tư tưởng người dân bởi họ chính là tấm gương vừa là cầu nối hiệu quả nhất trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật” - ông Sơn khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem