Nỗi day dứt nào đằng sau những vụ bạo hành trẻ mầm non?

Tùng Anh (ghi) Thứ hai, ngày 06/02/2017 13:41 PM (GMT+7)
Vụ giáo viên trường mầm non Sen Vàng (Phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng dép đập vào đầu và "lên gối" thúc bụng trẻ đang gây bão dư luận. Trước đó, đã có không ít vụ bạo hành trẻ mầm non dã man cũng đã bị lên án.
Bình luận 0

Phía sau những vụ bạo hành, nhiều trẻ đã bị tổn hại cả tinh thần và thể xác, các giáo viên thì bị kỷ luật không được dạy học, ngành giáo dục chịu tai tiếng. Tuy nhiên, câu hỏi khiến nhiều người day dứt là: Chế tài xử lý giáo viên đã khá mạnh nhưng tại sao tình trạng bạo hành trẻ tái diễn?

Theo phân tích của TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, có 3 nguyên nhân lớn khiến vấn nạn này không thể dứt đó là áp lực công việc; trình độ giáo viên và lương tâm nghề nghiệp.

TS Tùng Lâm cho rằng, giáo viên mầm non là nghề chịu nhiều áp lực chi phối nhất trong các cấp học. Áp lực từ môi trường sư phạm thiếu dân chủ, người quản lý… khiến giáo viên dễ bị động, lúng túng, dẫn đến làm bừa.

img

Trẻ mầm non bị cô giáo dùng dép đánh vào đầu gây bức xúc (ảnh cắt từ clip)

Ngoài ra, trẻ ở các nhóm lớp thường đông vượt quá mức quy định của điều lệ. Ở các trường tư thục, cơ sở vật chất chưa đáp ứng tiêu chuẩn. Nhiều chủ trường, nhóm lớp thường chạy theo lợi nhuận, không chọn lọc giáo viên, tuyển cả những người không được đào tạo hay đào tạo không đến nơi đến trốn làm công tác dạy trẻ.

Nguyên nhân khác, theo TS Lâm, hành vi bạo lực chỉ xảy ra với những giáo viên thường hành xử với trẻ theo bản năng nhiều hơn là kỹ năng nghề nghiệp được huấn luyện.

“Các cháu mầm non thường dễ bị tâm lý bắt chước và tâm lý lan tỏa đám đông chi phối. Cô giáo thiếu kinh nghiệm thường dễ lúng túng khi đến giờ ngủ một cháu gắt ngủ, khóc lóc dễ kéo theo nhiều cháu khóc theo, thế là cô bịt miệng, dùng vũ lực để áp chế cho trẻ sợ. Nếu cô có kỹ năng sư phạm, cô phải di chuyển cháu ra khỏi lớp, tạo cho cháu một sự chú ý khác để trẻ nín khóc,…” – ông Lâm ví dụ.

Tuy vậy, theo TS Lâm, vẫn có những giáo viên đã được nhắc nhở, có nghiệm vụ, kỹ năng nghề nhưng vẫn mắc sai sót, sẵn sàng đóng cửa lớp, vứt trẻ bên ngoài hoặc đánh trẻ… Đó là những giáo viên thiếu lương tâm nghề nghiệp, thiếu tình thương và không có đạo đức nghề nghiệp.

Chính vì vậy, theo ông Lâm để chấm dứt bạo lực trẻ ở bậc học mầm non, ngoài việc tạo môi trường sư phạm tốt giảm áp lực cho giáo viên, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp còn cần phải mạnh tay sàng lọc những giáo viên không đủ năng lực phẩm chất.

Trên trang cá nhân của mình ca sĩ Thái Thùy Linh – Trưởng nhóm tình nguyện Tim hồng (Hà Nội) bày tỏ, trước đến nay, mới chỉ có phụ huynh phải ký vào các văn bản cam kết  tuân thủ các nội quy do nhà trường đưa ra với nhiều ràng buộc và trách nhiệm với phụ huynh.

Thậm chí, ca sĩ còn cho rằng, có nhiều điều khoản ràng buộc gắt gao cho phép nhà trường được quyền nhận hoặc buộc học sinh thôi học, bắt phụ huynh phải đền bù trong những trường hợp có thiệt hại do học sinh gây ra.

Ngược lại, học sinh và phụ huynh thường không có quyền gì khi nhà trường không đảm bảo cam kết ban đầu về chất lượng học tập cũng như chăm sóc các con.

Tại sao các phụ huynh đóng phí đầy đủ, thậm chí còn là những khoản chi phí khá cao (đối với các trường tư thục, quốc tế), mà lại không được hưởng các quyền lợi như một khách hàng? Và đặc biệt không được bồi thường khi có thiệt hại xảy ra với con em mình?

“Đã đến lúc cần có một dạng văn bản kiểu như “Hợp đồng gửi con học mầm non” thay chỉ vì Đơn xin học với những ràng buộc hầu như một phía cho phụ huynh” – ca sĩ bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem