Cỗ Tết còn, còn Tết ta

Trần Đức Chính Chủ nhật, ngày 07/02/2016 19:00 PM (GMT+7)
Ngày nay ở các thành phố chỉ cần 3 chữ Happy New Year là đã thấy đầy đủ các thứ mỗi khi bước sang một năm mới. Ðã sang thế kỷ 21 lâu rồi, phong tục, tập quán, lối sống đang dần dần quốc tế hóa. Nhưng ở Việt Nam, nơi đa số người dân vẫn sống ở làng quê, sức mạnh truyền thống, những làng cổ vẫn giữ được cổng làng, đình chùa, cây đa, bến nước và những ngôi nhà cổ thì phong vị tết vẫn còn đậm đà bản sắc lắm.
Bình luận 0

img

Mâm cỗ tết truyền thống  của một gia đình ở miền Bắc.

Cả năm xa nhà, bôn ba kiếm sống, kiểu gì tết cũng phải về quê. Nhà nước đã tạo mọi điều kiện cho dân được nghỉ tết dài ngày. Ai không còn quê hay tết lấn bấn với gia đình không có điều kiện về quê thì đêm giao thừa cũng phải thắp nén hương viễn xứ để lòng mình, hồn mình bay về xứ sở. Tốc độ tâm hồn ngang tốc độ Internet, vụt cái đã thấy làng, con đê, dòng sông, ngôi nhà tổ tiên… Tôi đã có nhiều cái tết xa nhà như thế, thấm thía tình quê lắm lắm.

Nói đến ăn tết ở nông thôn sang thu là nhà nào cũng có sự chuẩn bị từ trước. Ðàn lợn, lứa gà, con nào bán, con nào ăn đều đã có kế hoạch. Rồi quả bưởi, nải chuối bày bàn thờ cũng phải chọn và có “quân lệnh” để lũ trẻ không được xâm phạm. Nhà nào dùng nhiều thì còn phải nấu nồi rượu nếp cái hoa vàng. Chai rượu Tây quà biếu chỉ để bày trên ban thờ cho thêm phần sang trọng, còn cỗ ta phải rượu ta. Cái luật nó vậy!

Ca dao có câu: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn”. Ăn bát cơm phải chờ 10 tháng mới thấy ngon, còn ra phố làm 5.000 đồng xôi chỉ cốt để ấm bụng đi làm, không có ý nghĩa, ý ngang gì cả.

Nhớ hồi chống Pháp, được ăn mấy cái tết ở làng, sáu bảy chục năm đã qua, giờ còn như vẫn phảng phất hương vị. Chiều 30 Tết về cơ bản các khâu chuẩn bị phải xong. Giò, bánh chưng treo lủng lẳng trong gian buồng. Nồi măng hầm, cá kho đã xong và phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ “chó treo, mèo đậy”. Bữa cơm tất niên dành cho gia đình, không ai mời khách. Cỗ bàn đầy đủ 4 bát 8 đĩa. Mọi người quây quần vừa ăn vừa ngùi ngùi nhớ đến những người không còn. Ðất nước qua mấy cuộc chiến tranh còn gì! Bỗng có tiếng nhắc: Thằng cu! Ngồi xếp chân bằng tròn mà ăn cho từ tốn. Cụ mà còn là cụ mắng cho đấy. Một câu nhắc khéo con để cả nhà nhớ đến các cụ đang ở trên cõi nào đó… Cũng có người chỉ lên mấy nén nhang cháy đỏ: Các cụ đang về đấy! Thế là cả mâm cỗ tốc độ giảm hẳn xuống. Chén rượu quê mà có ai đó gọi là “nước mắt quê hương” uống vào lúc này thấy rưng rưng thật.

img

.  Cuối tháng Chạp, cả đại gia đình lại quây quần gói và nấu bánh chưng đón Tết. Ảnh: I.T

Nửa đêm, giao thừa, lũ trẻ đã đi ngủ. Ông chủ nhà (các bà không phải là chủ, luật xưa nói thế) vẫn ngồi bên chén “nước mắt”, nhìn ra ngoài trời xem tượng giời đoán thời tiết năm mới. “Năm nay nhuận tháng Tư, nhiều chuyện động trời lắm”. Ðúng như thế. Tôi sinh vào tháng Tư một năm nhuận ấy và lớn lên đã hứng trọn 3 cuộc chiến tranh… Cũng đều qua khỏi được mũi tên hòn đạn, nhưng đến bây giờ mới biết ý nghĩa câu “Thức lâu mới biết đêm dài”.

Có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, chả có ai chơi cả tháng và ăn cả tháng, nhưng công bằng mà nói tháng Giêng chúng ta đi “giao lưu”, đi hội hè nhiều. Có thể nói ăn nhậu tháng Giêng đã làm chúng ta yếu đi với tiểu đường, mỡ máu, huyết áp và cả tiền liệt tuyến. “Không ăn thì mẻ cũng chết”. Ðúng vậy, nhưng ở quê muốn ăn mẻ chỉ cần mang lưng bát cơm nguội sang hàng xóm đổi mẻ. Mẻ chưa bao giờ là hàng hóa. Nhưng ngoài mẻ không nên đổi những thứ phải mua bằng tiền…

Tôi nhớ cách đây khoảng 60 năm, về quê ăn tết thấy ngày mùng 2 đã có người ra đồng, vãi tro nuôi bèo hoa dâu. Bây giờ không ai làm như thế. Các loại phân hóa học đã thay dần phân hữu cơ. Có lẽ vì thế mà đến hôm nay gạo VN xuất khẩu vào loại hàng đầu thế giới mà vẫn chưa có thương hiệu nổi tiếng, cao giá. Còn cây bèo hoa dâu do anh hùng Phạm Tuân mang theo lên tầu vũ trụ Liên Xô chắc cũng chỉ là một hành động tốt đẹp với quê hương và đến nay quê hương cũng… quên chuyện cây bèo.

Nhắc đến chuyện bèo tôi nhớ khi anh Tuân bay lên vũ trụ báo Nhân Dân đưa tin vơ-đét trang nhất. Trang văn xã có bài thơ, có đoạn: Anh Tuân ơi, khi anh bay lên trời nhìn xuống, Trái đất chỉ bé bằng quả cam. Nhưng cùng lúc đó mẹ anh ở Thái Bình đang còng lưng trên cánh đồng vừa qua trận lụt, nâng từng cây lúa bị đổ rạp xuống bùn. Mỗi hạt lúa trên tay bà cũng nặng như Trái đất. Tôi đi qua sứ quán Việt Nam ở Mátxcơva và mượn được tờ báo đó, đọc vài phút, không nhớ chính xác bài thơ, nhưng ý nghĩa đảm bảo tôi vẫn nhớ như vậy.

Nói tóm lại tết không chỉ có ăn mà còn có lợn tết, gà tết, cá tết, hoa tết, rượu tết, bánh tết, giò tết, tranh tết, mứt tết, áo tết… còn pháo tết cụ Võ Văn Kiệt cấm lâu rồi. Bây giờ Nhà nước bắn pháo hoa cho bà con vui tết. Pháo tết chỉ còn xem trên tivi. Tuy nhiên pháo lậu vẫn nổ đì đẹt, đích thị là pháo Tầu buôn lậu sang ta.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh có nói: Truyện Kiều còn, nước ta còn, tiếng Việt còn (đại ý thế) còn tôi muốn a dua với tiền nhân: Cỗ tết còn, còn tết ta. Ai Happy New Year cứ happy. Ai xì xụp khấn vái mời “cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ, thúc bá đệ huynh, cô dì tỉ muội đồng lai phối hưởng” cứ khấn vái. Ta đi lên bằng cả hai chân truyền thống và hiện đại. Và tin rằng tết ta còn, cỗ tết còn, dân ta còn ăn tết! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem