Công an bảo vệ dân đến nhận tiền đền bù

Thứ tư, ngày 11/12/2013 11:35 AM (GMT+7)
Ngày 9 và 10.12, UBND huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) chi trả tiền đền bù cho người dân do thu hồi đất để làm dự án. Rút kinh nghiệm 2 lần chi trả trước, lực lượng chức năng có mặt đông đủ để ngăn chặn các chủ nợ giật tiền của dân...
Bình luận 0
Bảo vệ dân về đến nhà

Sáng 10.12, khi chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Sơn Long, việc chi trả tiền đền bù và hỗ trợ cho số hộ dân xã này có nhà cửa, đất sản xuất nằm trong khu vực giải tỏa để làm Dự án Thủy điện Đakrinh vẫn đang được tiến hành.

Điều ghi nhận đầu tiên là ngoài sự có mặt để trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc chi trả của đại diện lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Sơn Tây, Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tăng cường lực lượng khoảng 70 cán bộ, chiến sĩ cùng dân quân tự vệ địa phương để giữ gìn an ninh trật tự, “hộ tống” người dân mang tiền về đến tận nhà.

Tổ công tác đang xử lý một trường hợp người dân bị chủ nợ gian lận tiền nợ.
Tổ công tác đang xử lý một trường hợp người dân bị chủ nợ gian lận tiền nợ.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Tô Cước - Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Chủ tịch Hội đồng đền bù huyện Sơn Tây cho biết: Tổng số hộ được nhận chi trả lần này là 164, với tổng số tiền gần 70 tỷ đồng. Trong đó, người nhận nhiều nhất trên 2,5 tỷ đồng. Mặc dù số người nhận và lượng tiền chi trả lần này lớn hơn rất nhiều, thế nhưng chưa xảy ra bất cứ trường hợp người dân nào bị chủ nợ giật tiền như 2 lần chi trả tại xã Sơn Liên hồi tháng 7.2013.

Ông Đinh Văn Vênh (64 tuổi, ở khu dân cư Nước Đốp) bày tỏ: Gia đình tôi nhận được 350 triệu đồng tiền đền bù và hỗ trợ. Vì trước đó nhà tôi có nợ một số người khoảng 40 triệu đồng, nên khi đi nhận rất lo sợ bị chủ nợ giật. Tôi phải gọi 2 đứa con đi cùng. Tuy nhiên, vào đây thấy có cán bộ bảo vệ nên rất yên tâm.

Ngăn chặn gian lận nợ

Thượng tá Đinh Quang Ven - Trưởng Công an huyện Sơn Tây cho hay: Trước khi tiến hành chi trả tiền đền bù lần này, Công an huyện đã cử lực lượng đến từng hộ được nhận đền bù để điều tra, xác minh nhằm làm rõ các trường hợp bán, mua, mượn... Qua đó tổ chức cho 2 bên chủ nợ và người dân ký cam kết thỏa thuận số tiền nợ phải trả.

Mặt khác ngay tại điểm chi trả, Công an huyện và tỉnh còn thành lập 1 tổ công tác để xử lý vướng mắc giữa 2 bên. Đồng thời sau khi nhận được tiền chi trả xong, Công an huyện còn cử cán bộ vận động người dân gửi tiền vào ngân hàng... Nhờ vậy không chỉ tình trạng chủ nợ giật tiền người dân đã bị ngăn chặn, mà hàng loạt trường hợp chủ nợ gian lận tiền nợ của người dân cũng đã bị phát hiện.

Trước khi tiến hành chi trả tiền đền bù lần này, Công an huyện đã cử lực lượng đến từng hộ được nhận đền bù để điều tra, xác minh nhằm làm rõ các trường hợp bán, mua, mượn...

Theo Thượng tá Ven, đến thời điểm này, tổ công tác của công an đã phát hiện và xử lý được 1 trường hợp người dân mua xe gắn máy với trị giá thực khoảng 25 triệu đồng nhưng bị chủ nợ đòi số tiền lên đến 80 triệu đồng; 1 trường hợp mượn số tiền 3 triệu đồng nhưng bị chủ nợ đòi lấy tiền lãi 1,5 triệu đồng...

Bên cạnh đó, Công an huyện Sơn Tây đã đề nghị Hội đồng đền bù huyện tạm thời chưa chi trả 60 trường hợp tranh chấp trong việc mua bán đất được đền bù.
Công Xuân (Công Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem