Công dân Thủ đô ưu tú 2019: 26 năm ươm mầm tri thức cho trẻ em

Hoàng Thành Thứ năm, ngày 10/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
“Rất vui vì xã hội đã quan tâm đến tôi và các con, nhưng thực sự tôi không làm việc để được khen thưởng. Tôi trăn trở hy vọng xã hội, cộng đồng sẽ cùng chung tay để giúp đỡ trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin được hòa nhập và sống bình đẳng” – cô giáo Lê Thị Hòa (Chương Mỹ, Hà Nội), Công dân Thủ đô ưu tú 2019, chia sẻ như vậy.
Bình luận 0

Từ “lớp học” đầy bồ hóng

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km theo Quốc lộ 6 đi Hòa Bình, hơn 12 năm nay ở thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội, có một cô giáo không quản nắng mưa, cứ cuối tuần là đến “Lớp học tình thương” trong chùa Hương Lan dạy chữ, dạy người cho các em nhỏ bị khuyết tật do ảnh hưởng  chất độc da cam/dioxin. Các em  đến từ nhiều vùng quê.

Cô là Lê Thị Hòa (SN 1973) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây năm 1992, một năm sau cô về công tác tại Trường Tiểu học Trường Yên. Đến năm 1997, cô về giảng dạy tại Trường Tiểu học Đông Sơn, được phân công dạy lớp 5 và làm Tổng phụ trách Đội từ đó tới nay.

Cô Hòa sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt: Bố mẹ cô đều là trẻ mồ côi; thời chế độ phong kiến, bố cô đi ở đợ cho nhà người ta, chỉ học đến lớp 5; mẹ  không biết chữ... Dù vậy,  bố mẹ đã nuôi 6 anh chị em của cô Hòa được ăn học đến nơi đến chốn.

img

  Cô giáo Lê Thị Hòa trong một buổi dạy cho các trẻ bị thiệt thòi tại chùa Hương Lan (Chương Mỹ, Hà Nội).  (ảnh: Thành An)

“Thấu hiểu sự thiếu thốn, thiệt thòi của những trẻ em đặc biệt nên tôi luôn đau đáu ước mong được giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn” - cô Hòa tâm sự. Đó cũng là lý do khơi nguồn và tiếp lửa cho cô giáo Tổng phụ trách Đội có 26 năm giảng dạy và hơn 12 năm gắn bó với với lớp học tình thương miễn phí cho trẻ em thiệt thòi.

Cô kể, bắt đầu từ năm 1993 đã nhận 23 trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin phải nghỉ học giữa chừng, dạy học cho các em trong gian bếp nhỏ của gia đình. Lớp học tạm rộng chưa đến 10m2, bám đen đầy bồ hóng, cô Hòa phải đi xin gỗ vụn về đóng tạm thành bàn học. Thiếu thốn đủ bề, song cả cô và trò có niềm tin vì được mọi người động viên, hỗ trợ sách vở, bút, bảng, phấn…

“Nhìn bố, mẹ các em vượt đường xa đưa con đến gửi gắm, trong lòng tôi không khỏi bối rối bởi lớp học ngày càng chật, sách vở cho học trò nhiều lúc còn thiếu. Thật may, trong một lần đến chùa Hương Lan trình bày tâm nguyện về việc mở một lớp học cho trẻ em thiệt thòi tại chùa, tôi đã được sư thầy trụ trì Thích Đàm Tiền ủng hộ” - cô giáo Lê Thị Hòa kể.

Sư thầy trụ trì cùng mọi người sửa sang lại gian nhà tiếp khách của chùa thành lớp học. Ngày 14/9/2007, lớp học mang tên “Tình thương” ra đời, đi vào hoạt động. Vậy là từ “lớp học” đầy bồ hóng trong gian bếp lụp xụp của gia đình cô giáo Hòa ngày nào đã được “nâng cấp”  thành một phòng học rộng đến hơn 100m2 trong ngôi chùa, kèm theo đó là đầy đủ sách vở, thiết bị lớp học... được xin ở các trường trong xã.

Chia sẻ về những khó khăn khi “đứng lớp” trong lớp học đặc biệt này, cô Hòa nói: “Có nhiều em bị mắc các bệnh như down, thiểu năng trí tuệ nên quá hiếu động, không kiểm soát được bản thân và nhận thức chậm, tôi phải tạo sự gần gũi, lắng nghe chia sẻ của các em để chúng tránh bị áp lực. Ban đầu, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo ngại vì các cháu bị mắc bệnh nên trí nhớ kém, không giám sát được các em đi đâu, làm gì, sinh hoạt ra sao nên chưa thực sự tin tưởng...”.

Đến trăn trở làm sao duy trì được lớp học

Lớp học của cô giáo Hòa hoàn toàn miễn phí. Kinh phí phần lớn do cô tự bỏ tiền lương hàng tháng để hỗ trợ cho các em về sách vở và đồ dùng học tập. Trong 26 năm qua, có hơn 300 trẻ từ nhiều xã trong huyện và có cả các em ở huyện Thanh Oai – xa đến 30km, đến lớp học đều đặn. 

Từ năm 2015 tới nay, cô Lê Thị Hòa đã kêu gọi quyên góp, hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà tình thương với tổng trị giá 360 triệu đồng để tặng các hộ khó khăn. Liên tục từ năm 2008 đến năm 2017, cô giáo Hòa được Trung ương Đoàn tặng bằng khen và danh hiệu tổng phụ trách giỏi; danh hiệu giáo viên “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” cấp huyện 5 năm liền (2008-2012). Năm 2014, cô giáo Hòa được tặng danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành GDĐT Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật”; năm 2017 được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố.   

Trong năm học mới này, “Lớp học tình thương” ở chùa Hương Lan đón 58 học sinh khuyết tật đặc biệt với nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, 19 học sinh chưa biết chữ được xếp chung lớp để học kiến thức lớp 1; 39 học sinh đã biết chữ học chung một lớp, học chương trình từ lớp 2 đến lớp 5.

Lớp học của cô Hòa cũng vô cùng đặc biệt, không theo bất cứ một trang giáo án nào, bởi với cô, mỗi học trò, mỗi thời điểm lại đòi hỏi những cách thức khác nhau. Để thuộc một đoạn thơ, một bài hát, cô và trò có thể phải mất tới ba tháng, thậm chí nửa năm. Có những đứa trẻ đi học 5 năm mới chỉ bập bẹ đánh vần hết bảng chữ cái, thế nhưng không ai nản. Và may mắn, cũng có nhiều trẻ lớn lên đã tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình.

Không chỉ vậy, đến lớp học, ngoài các kiến thức văn hóa, các bạn nhỏ còn được học về kỹ năng sống, về cách ứng xử, về đạo lý làm người như các bạn học sinh khác ở trường... Cô Hòa luôn tâm niệm một điều rằng, dạy trẻ khuyết tật giống như nghệ nhân vuốt gốm sứ, lúc cần cương quyết, lúc lại mềm mỏng nhẹ nhàng nhưng trên hết là nâng niu, gửi gắm trọn niềm tin vào trẻ. Chỉ có vậy các con mới mở lòng và dịu đi cơn bạo bệnh.

Trong dòng tâm sự, cô Hòa cho biết: Do còn bận với lịch giảng dạy ở Trường Tiểu học Đông Sơn nên lớp học đặc biệt thường diễn ra vào 2 buổi sáng thứ Bảy và Chủ nhật. Điều khiến cô trăn trở nhất là làm sao duy trì được lớp học đó, làm sao để nâng cao được chất lượng cho học sinh, đặc biệt là các bạn học yếu. Cố gắng để lớp học phát huy được hiệu quả, giúp các em nâng cao được kiến thức biết đọc, biết viết một cách thuần thục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem