Cộng đồng đặt niềm tin vào thanh niên

Chủ nhật, ngày 30/11/2014 16:58 PM (GMT+7)
Ngày 28.11.2014 tại TP Cao Bằng, Tổ chức ActionAid (AAV) đã phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Thúc đẩy thanh niên tham gia vào phát triển cộng đồng, phòng ngừa thiên tai”. 
Bình luận 0

Nhân dịp này, PV NTNN đã phỏng vấn ông Đào Quang Minh – Trưởng phòng Chính sách và Truyền thông  kiêm quyền Trưởng phòng Chương trình của ActionAid Việt Nam về vấn đề.    

Thưa ông, vì sao Tổ chức ActionAid (AAV) lại chọn tỉnh Cao Bằng để thực hiện dự án này?

AAV là một bộ phận của Liên đoàn ActionAid Quốc tế, bắt đầu chương trình tại Việt Nam vào năm 1989 và đăng ký Văn phòng Đại diện vào năm 1992. Trong hơn 25 năm qua, AAV hỗ trợ các cộng đồng tại các vùng khó khăn nhất đất nước, chủ yếu ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

AAV chọn Cao Bằng để thực hiện dự án vì muốn hướng tới các đối tượng có tính dễ bị tổn thương như dân tộc thiểu số (DTTS), trẻ em gái và phụ nữ, người nhiễm HIV... Ngoài ra Cao Bằng còn là nơi dễ bị ảnh hưởng bởi các tiêu cực của biến đổi khí hậu, các thảm họa của thiên tai như lốc xoáy, sạt lở đất. Đặc biệt năm 2012, Cao Bằng có những trận rét đậm rét hại làm thiệt hại hơn 1.000 trâu bò của bà con. Xuất phát từ những yếu tố đó, AAV muốn hỗ trợ bà con DTTS đối phó, phòng ngừa tốt hơn về các rủi ro thiên tai, giảm thiểu các tình trạng dễ bị tổn thương của cộng đồng trước thiên tai thông qua một loạt sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô.

Tháng 7.2011, Chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông (LRP8) triển khai này tại huyện Thông Nông tỉnh Cao Bằng dưới sự tài trợ của AAV và quỹ Benoy. Dự án nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong cộng đồng, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của người dân trước thiên tai bằng cách kết nối thanh niên vào cộng đồng, lên kế hoạch phòng ngừa và quản lý ứng phó với thiên tai. 

Sau 3 năm thực hiện Dự án, những kết quả đạt được đáng kể đối với người dân địa phương là gì, thưa ông?

Trong ba năm thực hiện dự án, tất cả các hoạt động ở cấp địa phương đã được thực hiện như đề xuất trong kế hoạch hoạt động dự án, với một số hoạt động thậm chí vượt chỉ tiêu. Các thành tựu quan trọng đã đạt được bao gồm: 16 đội cứu hộ cứu nạn của thanh niên được thành lập ở 16 thôn, được đào tạo các kỹ năng và hoạt động tích cực; 11 ban giảm nhẹ thiên tai cấp thôn bản (BGNTT) tại 11 xã với 380 thành viên tổ chức cuộc họp thường kỳ hàng tháng với các chủ đề như sự tự tin trong giới trẻ, biến đổi khí hậu và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, kỹ năng thúc đẩy, giáo dục về sức khỏe sinh sản; một số mô hình thí điểm cho sinh kế bền vững, nuôi lợn đen địa phương được triển khai thành công và phát triển hiệu quả, với 138 lợn nái lai tạo và 1.584 lợn con sinh ra. Điều kiện vệ sinh của người dân tộc thiểu số được cải thiện nhờ vào 65 nhà vệ sinh được xây dựng mới dẫn đến phòng ngừa tốt hơn nhằm chống lại các bệnh liên quan đến vệ sinh như tiêu chảy…

Dự án này cũng đã làm giảm được sự tổn thương gây ra bởi thiên tai giảm trong số 20 hộ nghèo nhất và dễ tổn thương nhất. Ứng phó với biến đổi khí hậu và tiếp cận thị trường được cải thiện bằng cách xây dựng đường liên thôn và đường cứu hộ 30,5 km đi qua 25 làng; 3 khóa đào tạo được thực hiện để xây dựng năng lực cho giáo viên trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai. Dự án cũng đã đào tạo 120 giáo viên trong đó có 90 giáo viên nữ từ 20 trường tiểu học tham dự. Ba khóa đào tạo khác được tổ chức cho 97 em học sinh đến từ 20 trường tiểu học trong huyện; 20 trường tiểu học đã tham gia vào các khóa đào tạo giảm nhẹ thiên tai và sẽ đóng vai trò chủ đạo trong giáo dục ngăn ngừa thảm họa cho các trường học.

 

img         Câu lạc bộ phản ứng nhanh xã Cần Yên ( huyện Thông Nông, Cao Bằng) diễn tập cứu người bị nạn trong thiên tai lở đất. Ảnh tư liệu.

 

Trong số những kết quả vừa nêu, ông đánh giá kết quả nào quan trọng và có ý nghĩa lâu dài nhất?

Những kết quả mà tôi đánh giá quan trọng và có ý nghĩa lâu dài như những hoạt động về phòng ngừa thiên tai được AAV lồng ghép trong các hoạt động của nhà trường. Từ đó các em nhỏ đang là học sinh đã có ý thức về các thiên tai để có những biện pháp phòng ngừa và giảm thiếu tối đa rủi ro về thiên tai cho bản thân các em. Nhóm đối tượng của dự án là thanh niên từ 18 – 35 tuổi được đào tạo và hỗ trợ để tham gia phát triển cộng đồng và trở thành nhân tố thúc đẩy các thay đổi trong thôn bản của họ. Tôi cũng đánh gia cao việc dự án này trang bị các kỹ năng cho các cộng đồng hưởng lợi biết phân tích, lập kế hoạch để phòng ngừa thiên tai.

Đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ DTTS được Dự án đặc biệt chú ý ở nội dung đào tạo năng lực ứng phó rủi ro, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Ông kỳ vọng như thế nào với giới trẻ?

Giới trẻ là tác nhân của sự thay đổi, tương lai của đất nước. Khi mà những người trẻ tuổi được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai thì sẽ giúp bản thân họ phòng ngừa, đối chọi với thiên tai, đồng thời giúp họ có khả năng trợ giúp cộng đồng ngay khi có thiên tai xảy ra. Thanh niên – thành viên đội cứu hộ cũng được tập huấn về kỹ năng lãnh đạo, cách hướng dẫn và thiết lập mạng lưới để họ có đủ các kỹ năng làm việc với cộng đồng.

Sau khi dự án này kết thúc, AAV sẽ tiếp tục hỗ trợ, tương tác như thế nào để phát huy kết quả đã đạt được đối với cộng đồng này?

Đây là dự án nằm chương trình tổng thể của AAV triển khai tại huyện Thông Nông (Cao Bằng). Từ năm 2005, AAV bắt đầu triển khai các chương trình tại huyện Thông Nông. Hiện vẫn đang tiếp tục, trong đó có những dự án khác nhau. Dự án này là dự án cụ thể trong khung chương trình đó. Sau khi dự án này kết thúc thì các dự án khác vẫn đang tiếp tục triển khai. Các nhóm như CLB thanh niên phản ứng nhanh, các giáo viên được đào tạo về kỹ năng phòng ngừa giảm như thiên tai sẽ được tiếp tục sử dụng, huy động trong các dự án khác của AAV. Hiện AAV đang khởi động Dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện Quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam” tại 6 tỉnh, trong đó có huyện Thông Nông (Cao Bằng), các tổ nhóm thanh niên được huy động trong dự án này các dự án tiếp theo.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hà (thực hiện).

 

img     

Ông Vương Văn Thuận – Phó chủ tịch UBND huyện Thông Nông (Cao Bằng):

Chủ động phòng, giảm thiểu rủi ro thiên tai

“Dự án “Thúc đẩy thanh niên tham gia vào phát triển cộng đồng phòng ngừa thiên tai” được triển khai trên 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thông Nông. Thông qua việc thiết lập, duy trì và nâng cao năng lực của các câu lạc bộ cứu hộ cứu nạn dành cho thanh niên, các ban giảm nhẹ thiên tai cấp thôn, bản và mô hình đường liên thôn, đường tránh lũ, dự án không những giảm nhẹ sự tàn phá của thiên tai mà còn giúp người dân huy động được các nguồn lực hiện có chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các rủi ro có thể có do thiên tai gây ra”.

img        

Chị Lương Thị Hạnh(xóm Phia Bủng, xã Vị Quang, huyện Thông Nông, Cao Bằng): Thoát nghèo bền vững nhờ dự án

“Nhiều năm trước gia đình tôi là hộ nghèo. Tháng 7. 2011 được dự án hỗ trợ 5 triệu đồng mô hình sinh kế bền vững, tôi liền mua đôi lợn nái đen  về nuôi. Nhờ có đôi lợn nái, tôi chủ động về con giống và phát triển nuôi lợn thịt. Mỗi năm tôi xuất bán hơn 1 tấn lợn thịt. Trừ chi phí, gia đình tôi lãi ròng 30 triệu đồng. Tiền lãi từ lợn tôi đầu tư mua thêm trâu và bò về nuôi vỗ béo. Mỗi năm tôi có thêm khoản lãi hơn 20 triệu đồng từ trâu, bò. Bên cạnh đó gia đình tôi còn được hỗ trợ 3 triệu đồng xây mới nhà vệ sinh. Nhờ dự án hỗ trợ và sự cố gắng bản thân, từ năm 2012 gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên khá giả”.

Thu Hà (ghi)

Thu Hà (Hội - Tam Nông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem