Công lý sẽ gõ cửa

Thứ tư, ngày 10/08/2011 18:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Len Aldis - Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh - Việt, người đã đồng hành với hành trình Cam suốt 22 năm qua khẳng định, sẽ không ngừng kêu gọi, để cả thế giới không còn ngần ngại quy tội cho những người phải chịu trách nhiệm về tội ác.
Bình luận 0

22 năm không mệt mỏi

Tháng 3.1989, lần đầu tiên ông đến Việt Nam, được thấy những tấm ảnh máy bay Mỹ phun thuốc diệt cỏ và tận mắt thấy trẻ em dị tật - nạn nhân của chất da cam. Ông Len đã gặp bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng và gặp hai cháu Việt, Đức cùng những trẻ em khác bị nhiễm chất độc da cam. Đó là lần đầu tiên, ông Len được tận mắt nhìn thấy những di chứng khủng khiếp của chất độc da cam hằn sâu trên cơ thể của người dân Việt Nam.

img
Ông Len Aldis với nguyên đơn Nguyễn Văn Quý trong vụ kiện các công ty hoá chất Mỹ cách đây 7 năm.

Từ đó, ông Len đã thay đổi quan điểm sống của mình và nỗ lực đi tìm công lý cho những người vô tội đã thôi thúc và đi theo bước chân ông suốt 22 năm qua. Ông Len Aldis đã đi đến nhiều nơi trên thế giới, tìm kiếm những tư liệu, hiện vật cùng những con người cụ thể để làm hành trang vững chắc cho hành trình Cam của mình. Tên của ông được nhiều người biết đến qua sáng kiến thu thập chữ ký đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam trên mạng Internet của Hội Hữu nghị Anh-Việt.

Bên cạnh đó, ông và nhiều người bạn Anh còn tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. Ông viết thư cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc yêu cầu tổ chức quốc tế này có tiếng nói công bằng trong vấn đề da cam ở Việt Nam...

Ngày 30.4.2009, Giáo sư Len đã lập đơn kiến nghị trực tuyến gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nghị sĩ Mỹ tại địa chỉ www.lenaldis.co.uk để phản đối phán quyết của tòa án Mỹ phủ nhận trách nhiệm vấn đề da cam mà họ đã gây ra ở Việt Nam. Đồng thời lấy chữ ký những người Anh, Việt Nam và các nước ủng hộ đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam để gửi đến Tổng thống Mỹ. Đến cuối tháng 12.2010 đã có 3.454 người ký vào bản kiến nghị này.

Đừng ngần ngại lên án tội ác

Có mặt ở Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở VN, ông Len Aldis khẳng định rằng: “Mỹ phải thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam tại VN. Đó là nghĩa vụ đạo đức, sớm hay muộn điều đó phải được thực hiện”.

Với cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân da cam VN, ông nói rằng: “Xin đừng ngần ngại quy tội cho những người phải chịu trách nhiệm về tội ác mà đến 50 năm sau vẫn đang giết hại người dân VN và để lại thương tật nặng nề cho hàng triệu người khác. Với tư cách, nghĩa vụ của một người bạn lâu năm, tôi bày tỏ quan tâm về việc 50 năm qua rồi mà các nạn nhân Việt Nam, gia đình họ vẫn bị từ chối quyền công lý mặc dù bạn bè quốc tế đã hết sức ủng hộ, nhiều nghị sĩ Mỹ cũng ủng hộ các nạn nhân VN, song vụ kiện vẫn bị Tòa án tối cao Mỹ từ chối.

Giáo sư Len nói nếu được gặp Tổng thống Mỹ, ông sẽ nhắc ông Obama nhớ rằng, ngày 10.8 hàng năm là ngày mà hàng triệu người Việt Nam và bạn bè trên thế giới nhớ đến như một ngày đáng hổ thẹn của quân đội Mỹ! Ông mong Tổng thống Mỹ nhận ra những sự thật kinh hoàng của chiến dịch rải hơn 80 triệu lít chất độc kéo dài hơn 10 năm lên những người dân Việt Nam vô tội.

Ông Len Aldis đã từng khuấy động dư luận quốc tế khi khảng khái nêu ra 7 đề xuất về cách thức mang lại công lý cho các nạn nhân da cam VN. Trong đó ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tẩy chay và cấm vận các sản phẩm của Công ty Hóa chất Monsanto (Mỹ); gửi thư cho Chủ tịch Monsanto, ông Hugh Grant để đòi bồi thường; gửi thư với các đòi hỏi tương tự với các văn phòng của Monsanto ở mỗi nước…

“Tôi sẵn sàng đưa Tổng thống Mỹ đến những nơi chịu nhiều ảnh hưởng và gặp các nạn nhân da cam nếu ông ấy đến Việt Nam, để ông ấy chứng kiến những gì mà tôi đã chứng kiến. Sau đó, tôi sẽ hỏi ông ấy sẽ có hành động như thế nào để làm giảm nỗi đau của trên 3 triệu nạn nhân da cam. Tôi đòi hỏi chính quyền Mỹ và 37 công ty hóa chất Mỹ phải nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân cùng gia đình của họ”.

Ở tuổi 80, nhưng tâm huyết của ông Len đối với nạn nhân chất độc da cam VN dường như không vơi cạn. Ông nói, sẽ thường xuyên sang VN để tìm cách giúp đỡ những nạn nhân, để phần nào xoa dịu được nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu. Ông Len cho biết, ông đang chuẩn bị để kêu gọi ký tên vì công lý ở một địa chỉ mới trên mạng là website của BVFS (Britain Vietnam Friendship Society - Hội Hữu nghị Anh-Việt) để mọi người có thể ủng hộ nạn nhân.

Ông Len khẳng định, ký tên là một công việc đơn giản, nhưng nó có sức nặng đối với công lý. “Công lý đã đến trễ để nhiều nạn nhân chất độc da cam VN đã vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống này, nhưng tôi tin tưởng, đã đến lúc, công lý không thể làm ngơ!” - ông Len nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem