“Cuộc cách mạng” giấy tờ

Thứ bảy, ngày 15/09/2012 20:03 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một công dân Việt Nam đang phải “nhét ví” bao nhiêu loại giấy tờ: 5? Hay 7? Hay 9? Hôm qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - nguyên là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đã nêu ra một con số thật mà như bịa:..
Bình luận 0

Một công dân “phải có” đến 15 loại giấy tờ. Và tương ứng, cũng trên chục các “con số” gắn với nhân thân một người: Số chứng minh thư nhân dân, mã số thuế, số tài khoản…Nếu ai đó 1 lần mất ví, có lẽ, sẽ thấm thía sự khốn khổ đắng cay của việc bỏ ra nhiều tháng trời, đi hàng chục “cửa” để làm lại cả chục loại giấy tờ.

Công dân Việt Nam đang vô địch thế giới về việc phải có một con số cũng thuộc diện “kỷ lục thế giới” về giấy tờ cần và đủ để có thể làm một công dân không bị sách nhiễu. Nhưng có lẽ, con số càng kỷ lục, chỉ càng cho thấy sự phức tạp, chồng chéo, lạc hậu và trì trệ trong quản lý hành chính.

Ước mơ “một cuốn sổ, một con số” hôm qua đã được Bộ trưởng Tư pháp đương nhiệm Hà Hùng Cường đưa ra. Theo đó, tất cả các loại giấy tờ tư pháp sẽ được “gói” trong chỉ 1 cuốn sổ, được gọi là “sổ hộ tịch”. Các con số, mà số nào cũng có trên chục chữ số- cũng vậy, được quy thống nhất trong chỉ 1 con số:“Số định danh công dân”.

Nhưng điều này hoàn toàn không dễ thực hiện, nếu như không nói là bất khả thi bởi câu chuyện “một cuốn sổ, một con số” liên quan đến “một cửa”, liên quan đến việc các bộ, ngành phải “ngồi lại” với nhau. Có hai ví dụ thời sự để minh chứng cho sự “bất khả thi”. Đó là đề xuất của Bộ Công an về việc đưa tên cha mẹ vào giấy chứng minh thư nhân dân dù Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng điều này không phù hợp với Công ước về quyền trẻ em, xâm phạm quyền bí mật đời tư.

Một đề xuất vì việc quản lý của ngành, hơn là vì quyền lợi của người dân. Và ví dụ thứ hai, là “câu chuyện nhỏ” mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện kể trước nghị trường: Một vị quan chức, bạn ông, có lần “chỉ ăn mặc bình thường” ra phường xin xác nhận. Ông này vào bộ phận một cửa để làm thủ tục, nhưng chờ hết vị này uống nước xong, lại đến vị kia mà không xong được việc.

Ngày hôm sau, ông mặc complet, xưng ­tên tuổi, chức vụ đàng hoàng, đi vào ủy ban thì có ngay vị phó chủ tịch phường ra đón tiếp, giấy tờ xác nhận chỉ hơn 10 phút là xong...

Dù phải cần tới 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, một cuộc cách mạng về giấy tờ, thực ra là bớt đi sự phiền toái, bớt đi sự “hành là chính” đối với người dân là cực kỳ cần thiết. Nhưng điều còn cần thiết hơn, cần thiết ngay, là một cuộc cách mạng trong thái độ và quan niệm của công chức nhà nước trong việc phục vụ những người đóng thuế để trả lương cho chính họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem