Ông Lê Hữu Thảo (ngoài cùng bên trái) và các đồng đội. (Ảnh: NVCC)
Lần đầu tổ chức ở biển Hà Tĩnh
Trò chuyện với Dân Việt qua điện thoại sáng nay, ông Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh), Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma - HQ 604 cho biết: Ông và 10 cựu chiến binh của trận Gạc Ma cùng 6 thân nhân của các gia đình liệt sĩ đã tổ chức buổi lễ tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trong trận hải chiến Gạc Ma, khi Trung Quốc bất ngờ dồn quân cưỡng chiếm một số đảo của Việt Nam cách đây 30 năm.
“Chúng tôi tổ chức buổi lễ ở biên Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức lễ tưởng niệm tại Hà Tĩnh. Chúng tôi làm lễ cúng chay, thả đèn hoa đăng, sau đó tặng quà cho các cựu chiến binh và thân nhân gia đình liệt sĩ”, ông Thảo nói và cho biết thêm, do tự đứng ra tổ chức, kinh phí có hạn nên ông không thể mời đông người. Những người được mời tham dự buổi lễ chủ yếu là người sống ở Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị...
Thả hoa đăng tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma 30 năm trước. (Ảnh: Hữu Anh)
Ông Thảo chia sẻ thêm, Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma - HQ 604 được thành lập ngày 22.8.2014, đúng vào ngày ông cưới vợ. Ban liên lạc có trách nhiệm giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều cách.
Cựu chiến binh trận Gạc Ma Lê Hữu Thảo cho hay, tính đến nay ông đi tìm và thăm được gần hết số 64 gia đình của 64 liệt sĩ anh dũng hy sinh ở Gạc Ma và thăm gặp được gần 30 cựu binh sống sót sau trận đánh đó.
“Một số gia đình tôi chưa gặp được vì địa chỉ thay đổi, một số cựu binh đã qua đời, do điều kiện nên tôi cũng chưa tìm được người thân của họ”, ông Thảo nói.
Nói về hoàn cảnh của những cựu binh cũng như gia đình các liệt sĩ mà ông Thảo có dịp đến thăm nhìn chung đều khó khăn. Ngay cả hoàn cảnh của ông Thảo cũng rất đặc biệt. Gần 50 tuổi ông mới lập gia đình, năm 2015, vợ ông sinh cháu trai đầu lòng, cháu đã được đặt tên là Lê Trường Sa.
“Đến nay cháu Trường Sa đã 2 tuổi, rưỡi, cháu thứ hai của vợ chồng tôi là bé gái được 6 tháng tuổi”, ông Thảo hồ hởi nói và tiết lộ thêm: Hiện nay ông không còn đi làm công việc tự do, kiểu nay đây, mai đó nữa.
“Nhờ bạn hữu giúp đỡ vốn liếng, tháng 5.2017, tôi mở công ty TNHH Hồng Lam, chuyên về chăn nuôi gà, nuôi vịt biển, nuôi bò. Tất cả đều chăn nuôi theo kiểu sinh thái, để tạo ra sản phẩm sạch” ông Thảo cho biết.
Ông Thảo từng tìm đến chỗ ông Đoàn Văn Vươn (ảnh) để học kinh nghiệm nuôi vịt biển. (Ảnh: P.V)
Học kinh nghiệm nuôi vịt biển
Lý giải về sự lựa chọn này, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo cho hay, nhìn chung hiện nay người dân ít nhiều đang bị mất niềm tin vào các sản phẩm nông nghiệp.
“Việc đầu tư để làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch hiện đang được nhiều người ở các địa phương làm và đã thành công, mặc dù khi mới bắt tay làm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu mình làm ăn tử tế, tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch, không chỉ giúp cho người tiêu dùng có sự lựa chọn mà còn góp phần tạo ra uy tín cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương”, ông Thảo chia sẻ.
Nói về việc nuôi vịt biển, ông Thảo kể thêm: Tôi được nhiều bạn hữu tư vấn về cách thức. Tôi cũng lặn lội ra Chương Mỹ, Sóc Sơn (Hà Nội), rồi tìm về Tiên Lãng, Hải Phòng, ngồi với ông Đoàn Văn Vươn để học thêm kinh nghiệm.
Ông Vươn là người có những thành công trong công việc này, ông đã chia sẻ cho tôi khá nhiều điều. Bên cạnh đó tôi còn học hỏi thêm ở những nhà khoa học, sách báo để tích lũy phương pháp.
Ông Đoàn Văn Vươn cho biết: Khi ông Thảo đến thăm, chúng tôi đã ngồi ăn cơm ngay tại đầm và trò chuyện về việc nuôi vịt biển.
"Tôi nói nhiều về cách để vịt biển thích nghi với môi trường, sau này nghe tin khi về quê, ông Thảo cũng đã bắt tay vào làm. Cùng từng là người lính, tôi rất mừng và mong cho ông Thảo thành công", ông Vươn nói.
Theo cựu binh Gạc Ma, việc đầu tư chăn nuôi của ông mới chỉ bắt đầu, thành quả đem lại chưa nhiều, nhưng ông tin đây là cách đi đúng đắn.
“Khó khăn nhất đối với tôi là vốn để đầu tư, đất tôi phải đi thuê nên không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng về mở rộng đầu tư. Cái khó thứ hai là thị trường đầu ra hiện vẫn chưa ổn định, vì cần phải làm lâu sản phẩm mới có thương hiệu. Thôi khó khăn thì từng bước khắc phục dần vậy”, người cựu binh Gạc Ma cười xòa.
Đầu tháng 3.1988, các tàu vận tải HQ 604, HQ 605, HQ 505 của ta được lệnh đưa công binh và chiến sĩ ra Trường Sa xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma. Sáng 14.3.1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên Gạc Ma thì quân Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản, lính Trung Quốc cướp cờ, xả súng giết hại các chiến sĩ. 64 lính hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người khác bị bắt làm tù binh.
Tàu HQ 604 neo cạnh bãi Gạc Ma, HQ 605 bảo vệ bãi Len Đao bị bắn chìm. HQ 505 bị bắn cháy phần đuôi đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao, còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.