Ngày 22.5, Đoàn Thanh tra Bộ Công an đã có buổi làm việc với UBND TP.Đà Nẵng về dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại TP.Đà Nẵng.
Thông tin tại buổi làm việc cho hay, Thanh tra Bộ Công an đã làm việc với 6 đơn vị có liên quan đến việc quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, lao động của người nước ngoài của TP.Đà Nẵng gồm Sở Ngoại vụ, Sở LĐTBXH, Ban quản lý Khu CN và chế xuất, Ban quản lý Khu CN cao, quận Sơn Trà, quận Cẩm Lệ.
Đoàn Thanh tra Bộ Công an làm việc với Đà Nẵng ngày 22.5.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Công an, trong 3 năm qua, TP.Đà Nẵng là địa phương được đánh giá tốt về công tác quản lý khai báo tạm trú của người nước ngoài trên địa bàn, đồng thời có nhiều giải pháp nhằm giải quyết một số tình hình phức tạp về lao động nước ngoài hoạt động không đúng quy định, tăng cường công tác quản lý đối với khách du lịch.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công an TP.Đà Nẵng, trong 3 năm qua, số lượng người nước ngoài đến Đà Nẵng ngày càng đông, xuất hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật của người nước ngoài như tổ chức đánh bạc qua mạng, trộm cắp, cướp giật, vi phạm về xuất nhập cảnh… Công an TP đã xử lý 378 vụ/541 đối tượng người nước ngoài vi phạm, trong đó chủ yếu vi phạm về nhập cảnh trái mục đích.
Nhiều người nước ngoài nhập cảnh Đà Nẵng với mục đích du lịch nhưng lại tổ chức kinh doanh.
Tại buổi làm việc, Thanh tra Bộ Công an cho rằng, việc quản lý đối với lao động nước ngoài còn có sai sót. Trong đó có việc TP.Đà Nẵng có tình trạng giấy phép lao động của người nước ngoài được cấp sau khi đã nhập cảnh. Điều này không đúng với quy định về quản lý lao động nước ngoài.
Theo đại diện Cục 72 Bộ Công an, vấn đề trên là bất cập chung của Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác do sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công an và Bộ LĐTBXH. Cụ thể, có rất nhiều trường hợp người lao động nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam đến thử việc tại doanh nghiệp; sau thời gian thử việc, doanh nghiệp mới đồng ý tiếp nhận và ký hợp đồng lao động và được Sở LĐTBXH cấp giấy phép lao động. Nhưng, quy định của pháp luật lại bắt buộc phải có giấy phép lao động trước khi nhập cảnh.
Tại cuộc họp, các cơ quan của TP.Đà Nẵng cũng nêu lên một số vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú của người nước ngoài. Cụ thể như Luật Đầu tư quy định, người nước ngoài nếu góp vốn từ 50 triệu đồng thì được ưu đãi tạm trú, cư trú dài hạn. Mức góp vốn quy định như trên là quá thấp, dễ bị người nước ngoài lợi dụng lách luật đến tạm trú với mục đích trái phép. Chế tài xử lý đối với các cơ sở lưu trú không khai báo hiện nay cũng quá thấp, chưa đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.