Đánh bác sĩ là đe dọa tính mạng nhiều người

Diệu Linh Thứ hai, ngày 17/04/2017 11:21 AM (GMT+7)
Một bác sĩ ở Bệnh viện Thạch Thất (Hà Nội) vừa bị hành hung dã man khi đang giải thích bệnh tình cho người nhà bệnh nhân. Đây không phải lần đầu bác sĩ phải “đổ máu” khi đang làm nhiệm vụ khám chữa cho bệnh nhân.
Bình luận 0

Ngày 17.4, bác sĩ Vương Trung Kiên, GĐ Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, bác sĩ bị đánh ngất xỉu ngay khi đang cấp cứu cho bệnh nhân đã tỉnh, tuy nhiên vẫn đang phải theo dõi sức khỏe.

Người bị hành hung là bác sĩ Lê Quang D., Phó khoa Hồi sức cấp cứu, trưởng kíp trực ngày 16.4. Trưa ngày 16.4, khi nhận được thông tin người nhà bệnh nhi muốn chuyển con đến Bệnh viện Nhi Trung ương, BS D. đã xuống giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân. Khi bác sĩ D. đang cúi xuống xem bệnh án của bệnh nhi thì bất ngờ người nhà bệnh nhi dùng một chiếc cốc thủy tinh đập thẳng vào đầu bác sĩ khiến ông bất tỉnh, máu văng vãi khắp bệnh án và nền nhà.

Về bệnh nhi này, bác sĩ Kiên cho biết: “Bệnh nhi 10 tháng tuổi nhập viện hôm 13.4, với chẩn đoán tiêu chảy do vi rút. Sau hơn 3 ngày điều trị, bệnh nhi đã ổn định, không còn tiêu chảy. Nhưng sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên theo đề nghị của gia đình” .

img

Bệnh án và nền nhà phòng cấp cứu vương máu bác sĩ (Ảnh BSCC)

Bác sĩ D. được đưa vào phòng cấp cứu, bị khâu 7 mũi dài và phải theo dõi chấn thương sọ não. Đối tượng hành hung bác sĩ D. cũng đã được giao cho cơ quan công an.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), việc hành hung nhân viên y tế khi họ đang trực tiếp có các hỗ trợ, cứu giúp bệnh nhân hiện ngày càng gia tăng. PGS Khuê nhận định, nguyên nhân của các vụ người nhà hoặc bệnh nhân tấn công các bác sĩ thường do quá tải bệnh viện, người nhà có bệnh nhân cấp cứu thường sốt ruột, lại không rõ về quy trình cấp cứu nên thường cho rằng bác sĩ chậm chễ xử lý, dẫn đến nổi nóng, xô xát. Trong khi đó, không ít trường hợp thái độ, lời nói của nhân viên y tế cũng không đủ nhã nhặn, không có kỹ năng giải thích để làm giảm bớt sự nóng nảy của bệnh nhân và người nhà, nhất là trong các vụ tai biến y khoa.

Ngoài ra, có nhiều bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân là đối tượng côn đồ, ngáo đá… đã có lời nói, hành vi kích động, gây nguy hiểm cho các bác sĩ và bệnh nhân khác.

Theo một bác sĩ, trong khi có các yêu cầu đòi nhân viên y tế phải tươi cười, đón tiếp bệnh nhân như nhân viên hàng không đón tiếp khách hàng. Tuy nhiên, nếu nhân viên hàng không bị hành hung thì mức xử phạt đối tượng côn đồ rất nghiêm khắc, cấm bay, phạt tiền nặng nhưng đánh nhân viên y tế thì lại bị xem nhẹ. Thậm chí, các bác sĩ bị đánh xong lại nhẫn nhịn quay sang khám chữa bệnh cho chính đối tượng hành hung mình. “Đánh bác sĩ cũng có thể là hành vi đe dọa tính mạng của nhiều người, nhất là trong phòng cấp cứu, khi có nhiều bệnh nhân nặng đang cần được bác sĩ cứu giúp tính mạng” – vị bác sĩ này nhận định.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ 2010 đến nay, cả nước có không dưới 20 vụ điển hình về mất an ninh trật tự trong bệnh viện. Ngoài ra còn rất nhiều vụ trộm cắp, cò mồi, lừa đảo, vi phạm nội quy bệnh viện… thường xuyên xảy ra. “Tính riêng các vụ vũ lực thì có đến 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng và 60% vụ việc xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh. “Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của các nhân viên y tế mà cũng đe dọa tính mạng của các bệnh nhân đang được cấp cứu khác” – PGS Khuê nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem