“Đánh thức” tiềm năng du lịch bắc Tây Nguyên: Vẫn mạnh ai nấy làm

Khuất Nguyên Thứ ba, ngày 28/05/2019 06:30 AM (GMT+7)
Với mật độ danh thắng dày đặc, hệ sinh thái độc đáo và nền văn hóa lâu đời của các tộc người bản địa, những năm gần đây, bắc Tây Nguyên là sự lựa chọn mới của du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng việc khai thác tiềm năng, phát triển du lịch ở Gia Lai và Kon Tum vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí có sự trùng lặp, giẫm chân nhau…
Bình luận 0

Điểm đến mới trên bản đồ du lịch

Dù xuất hiện trên bản đồ du lịch Việt Nam chưa lâu, nhưng Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã nhanh chóng chinh phục du khách với rừng cây, thác nước, ao hồ và khí hậu mát mẻ không kém Đà Lạt. Không chỉ mật độ thắng cảnh dày đặc, Măng Đen còn có nhiều sản vật của núi rừng, đặc biệt là các loại thảo dược mà đứng đầu là sâm dây, sâm đất… Cũng chỉ trong vài năm gần đây, Măng Đen đã thu hút nhiều nhà đầu tư nên các khu du lịch sinh thái, hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư xây dựng khá nhiều. Song, Măng Đen cũng chỉ là một điểm nhấn trong rất nhiều danh thắng của bắc Tây Nguyên.

img

Các cơ sở du lịch ở Nghệ An khảo sát Khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum). Ảnh: K.N

"Công ty tôi ở Kon Tum nhưng phải xuống Gia Lai đón khách, tổ chức cho du khách tham quan các địa điểm tại Gia Lai rồi mới đưa lên Kon Tum. Bởi vì phần lớn du khách đến từ Gia Lai, mà các doanh nghiệp du lịch ở Gia Lai chưa phối hợp, hỗ trợ gì”.

Ông Nguyễn Ngọc Long - Giám đốc Công ty TNHH du lịch Ngọc Linh Kon Tum

Từ lâu, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã được biết đến là vùng đất có lịch sử lâu đời, đậm đặc về văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với 7 dân tộc bản địa cư trú lâu đời (Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Ba Na, Gia Rai, H’rê, Brâu và Rơ Măm), hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở bắc Tây Nguyên cũng rất phong phú, độc đáo. Đó là các loại hình như luật tục, văn hóa cư trú, cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, ẩm thực, trang phục, điêu khắc…

Bên cạnh đó, lợi thế nổi bật của du lịch bắc Tây Nguyên là được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều thắng cảnh như thác nước Ialy, thác Phú Cường (Gia Lai), Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) với nhiều loại sâm quý, Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) với hệ sinh thái độc đáo… Trong đó, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen đã được Bộ VHTT&DL lựa chọn là 1 trong 31 khu vực có tiềm năng phát triển. Ngoài ra phải kể đến những giá trị văn hóa cổ như chùa Minh Thành (Gia Lai), nhà rông Kon Klo (Kon Tum) lớn nhất Tây Nguyên, nhà thờ gỗ Kon Tum với kiến trúc Roman kết hợp nhà sàn Ba Na…

Khai thác chồng chéo, giẫm chân nhau

Với những lợi thế trên, bắc Tây Nguyên hội tụ đầy đủ những yếu tố nhằm phát triển du lịch, thu hút được du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc “đánh thức” tiềm năng du lịch nơi đây chưa thực sự bài bản, chuyên nghiệp, thậm chí có sự chồng chéo, giẫm chân nhau giữa các địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Long - Giám đốc Công ty TNHH du lịch Ngọc Linh Kon Tum cho biết, dù đi đường bộ hay đường hàng không, phần lớn du khách đều đến với Kon Tum qua cửa ngõ Gia Lai. Doanh nghiệp của ông ở Kon Tum, nhưng phải đón khách Gia Lai rồi tổ chức cho du khách tham quan các khu du lịch, các danh thắng ở Gia Lai xong mới… đưa về Kon Tum. Công ty Ngọc Linh phải dẫn du khách đi tham quan đồi chè Biển Hồ, chùa Minh Thành, hồ thủy điện Ialy và những làng văn hóa các dân tộc thiểu số ở Gia Lai, sau đó mới đưa khách lên Kon Tum. Đúng ra, đây là phần việc của các doanh nghiệp du lịch tại Gia Lai. “Rõ ràng là thiếu sự phối hợp giữa 2 tỉnh. Chúng tôi còn mong muốn Gia Lai giúp đỡ quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa cũng như thắng cảnh của Kon Tum đến du khách. Được vậy thì sau khi tham quan ở Gia Lai, du khách còn có chỗ để đi tiếp” - ông Long nói.

Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Nhằm phát triển bền vững ngành du lịch phía bắc Tây Nguyên, chúng tôi mong muốn có sự chung tay của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Cái khó là cả hai tỉnh đều có nhiều nét văn hóa, ẩm thực tương đồng nhau, việc giới thiệu quảng bá đang có chiều hướng giẫm chân nhau. Đây cũng là trăn trở của các doanh nghiệp làm du lịch, họ đang cố gắng tìm giải pháp phù hợp nhất để vừa giới thiệu được các sản phẩm du lịch, vừa tránh sự chồng chéo...”.

Theo ông Bình, trên thực tế ngành du lịch bắc Tây Nguyên đang trong giai đoạn mới phát triển, nên vẫn còn lúng túng trong việc xác định hướng đi. Về công tác phối hợp giữa 2 tỉnh, theo ông Bình, chủ yếu là giao lưu văn hóa tại các lễ hội lớn. Do vậy, một cái “bắt tay” chặt chẽ, toàn diện với sự tham gia của chính quyền địa phương, doanh nghiệp làm du lịch, các chủ danh thắng như vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, chủ hồ thủy điện của 2 tỉnh… là hết sức cần thiết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem