Đặt quyền lợi của lao động nữ lên hàng đầu

Minh nguyệt (thực hiện) Thứ sáu, ngày 11/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội đã có chia sẻ với Báo NTNN/Dân Việt về hướng giải quyết các vấn đề tranh cãi về bình đẳng giới (BĐG) trong Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi.
Bình luận 0

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội đã có chia sẻ với Báo NTNN về hướng giải quyết các vấn đề tranh cãi về bình đẳng giới (BĐG) trong Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi.

Thưa ông, Luật LĐ sửa đổi có bổ sung những điều khoản nào mới liên quan tới vấn đề BĐG?

- Tôi cho rằng điểm mới đầu tiên chính là nâng tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ từ 55-60 tuổi. Điểm mới thứ 2 đó là chủ sử dụng khi sử dụng LĐ nữ là phải đảm bảo quyền lợi như: Nghỉ sinh con, nuôi con, nghỉ kinh nguyệt... Ngoài ra DN còn thực hiện một loạt nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi, chế độ phúc lợi cho LĐ nói chung và LĐ nữ nói riêng. Ví dụ như: Xây dựng nhà trẻ, bệnh viện.... để LĐ nữ được yên tâm làm việc.

img

Ông Bùi Sỹ Lợi trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị. Ảnh: M.N

Một số vấn đề liên quan tới BĐG trong Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi đang nhận được quan điểm trái ngược. Theo ông những vấn đề này nên được giải quyết thế nào?

- Bất cứ một vấn đề nào khi được đưa ra đều có những quan điểm trái chiều. Tuy nhiên, để xử lý được những ý kiến trái chiều có liên quan thì cần đặt quyền lợi của LĐ nữ lên hàng đầu. Mặc dù có một số nội dung khi đưa vào luật có thể làm cản trở sự tham gia của LĐ nữ, thế nhưng ta vẫn phải quy định vì điều đó đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho LĐ nữ. Khi có quy định cụ thể thì lực lượng thanh tra có căn cứ để thanh tra, xử lý khi DN vi phạm.

Ví dụ, vấn đề quy định thời giờ nghỉ ngơi của LĐ nữ trong thời gian kinh nguyệt mặc dù DN phản đối nhưng ta vẫn phải đưa vào vì điều này liên quan tới quyền lợi của chị em. Trong trường hợp này, nếu DN cho rằng việc nghỉ giữa giờ làm ảnh hưởng tới quy trình sản xuất thì DN và LĐ có thể đối thoại, thương lượng. Nếu DN không tìm được người khác thay thế, không thể cho LĐ nghỉ giữa giờ thì phải có bù đắp bằng tiền mặt cho lao động nữ.

Thay vì bảo vệ, Luật LĐ sửa đổi sẽ điều chỉnh theo hướng “thúc đẩy” BĐG để mọi việc diễn ra được “tự nhiên”. Ông chia sẻ gì về điều này? 

- Thúc đẩy chính là phải đảm bảo quyền của người LĐ, trong đó có quyền của phụ nữ ở một số lĩnh vực. Để Luật LĐ sửa đổi tiếp cận theo góc độ thúc đẩy thì cần phải quy định chính sách cho LĐ nữ nhưng không thể cản trở sự phát triển của phụ nữ, ngược lại nó phải giúp phụ nữ nắm bắt được cơ hội để phát triển.

Vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu có cần thiết để nam và nữ bằng nhau để đảm bảo sự “thúc đẩy” LĐ nữ không, thưa ông?

- Thông tin mà tôi có được thì tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ ở rất nhiều nước là bằng nhau. Điều này là rất tốt, nhưng đó là quốc gia phát triển, môi trường làm việc của họ tốt. Thế nhưng cũng có tới 36% các nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ chênh nhau (nam là 62 và nữ là 60 tuổi). Vì vậy việc nâng tuổi nghỉ hưu là việc cần làm, nhưng làm từng bước.

Theo tôi, không nên nghĩ rằng việc quy định tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ thấp hơn LĐ nam là bất bình đẳng bởi hiện nay do điều kiện xã hội của Việt Nam còn khó khăn, môi trường làm việc còn hạn chế vì thế việc quy định cho LĐ nữ nghỉ hưu sớm cũng là phù hợp. Về lâu dài khi các điều kiện này được cải thiện thì chúng ta có thể nâng dần để tuổi nghỉ hưu của hai giới bằng nhau.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem