Đầu tư mạnh KHCN để tránh tụt hậu

Phương Hà Thứ ba, ngày 20/10/2015 06:52 AM (GMT+7)
Tại sao nhiều doanh nghiệp chưa đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN)? Cơ chế, chính sách, kinh phí cho KHCN phát triển cần thay đổi gì?... Đó là những nội dung được bàn thảo tại tọa đàm góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng, diễn ra sáng 19.10 tại Hà Nội.
Bình luận 0

Tránh “nhăm nhăm” vào sắt thép, xi măng...

Tọa đàm do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức. Buổi tọa đàm là  dịp để các tầng lớp trí thức, khoa học, doanh nhân đóng góp trí tuệ cho Đảng trong việc hoạch định chính sách phát triển KHCN trong thời kỳ mới.

img

Ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).  Ảnh: H.L

PGS- TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn đặt vấn đề: “Tại sao sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa xây dựng được nền tảng của một nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa? Chưa xây dựng được thì rất khó cất cánh. Trong khi đó, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn. Tụt hậu xa hơn là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chưa chú ý đúng  mức đến vấn đề KHCN, nhân lực”.

Theo ông Thiên, 5 năm tới kinh tế Việt Nam sẽ hội nhập rất sâu, nhưng dự thảo văn kiện  Đại hội XII chưa làm rõ những đặc thù của giai đoạn tới. Chúng ta phải xác định rõ được định hướng phát triển của mình. Trong mô hình tăng trưởng tới đây, định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa cần nhấn mạnh hơn khía cạnh hiện đại hóa, hướng đến những đô thị hiện đại chứ không chỉ “nhăm nhăm” vào những dự án sắt thép, xi măng, thiếu công nghệ.

Ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện  Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cũng cho rằng, Việt Nam ngày càng bị tụt hậu so với các nước ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nguyên nhân là do chưa coi trọng phát triển KHCN.

Thay đổi tư duy đầu tư KHCN

Theo ông Bùi Quang Tuấn, KHCN ở Việt Nam đang dựa quá nhiều vào Nhà nước, trong khi ở Hàn Quốc có đến 75% sáng tạo KHCN là của tư nhân. Một loạt công ty tư nhân của Hàn Quốc như Samsung... chiếm lĩnh thị trường hàng hóa có hàm lượng KHCN cao. Do đó, chúng ta cần thay đổi tư duy này. GS-TSKH Nguyễn Khoa Sơn (Viện  Hàn lâm KHCN Việt Nam) đề nghị cần đề ra chỉ tiêu cụ thể về mức đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước (đạt tối thiểu 2%) và từ GDP (đạt 1%) trong giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó có chính sách cụ thể huy động nguồn đầu tư của xã hội và doanh nghiệp, nguồn đầu tư nước ngoài cho nghiên cứu và ứng dụng KHCN (các doanh nghiệp được trích 10% thuế để lập Quỹ Đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ mới).

GS Nguyễn Khoa Sơn cũng đề nghị để phát triển KHCN cần tập trung vào lĩnh vực khoa học và công nghệ ứng dụng, nhất là các công nghệ cao mũi nhọn như công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, trong đó có việc mua bằng phát minh, sáng chế rồi cải tiến, nâng cao phù hợp với điều kiện của Việt Nam và nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Các nền kinh tế đi trước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… đều “đi tắt đón đầu” khá thành công bằng cách này.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đây là một trong nhiều Hội nghị  được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức  góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Tới đây sẽ có các hội nghị lấy ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế; phát huy yếu tố văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam như một yếu tố động lực phát triển đất nước; vấn đề dân chủ trong thời kỳ bùng nổ Internet; vấn đề giám sát và phản biện, phòng chống tham nhũng.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem