Dịch Covid-19: “Địa ngục" chim trời miền Tây thách thức pháp luật (Kỳ 1)

Doãn Anh - Chiên Hoàng Chủ nhật, ngày 15/03/2020 12:44 PM (GMT+7)
Những ngày đầu tháng 3, cả Việt Nam và hơn 100 quốc gia vùng lãnh thổ trên toàn thế giới vẫn đang gồng mình để chống dịch virus corona (Covid-19). Dịch bệnh lần này được giới khoa học cho rằng bắt nguồn từ việc ăn thịt động vật hoang dã (ĐVHD). Câu hỏi đặt ra là giữa thời điểm nóng bỏng về dịch Covid-19 như hiện nay, “thị trường đen” buôn bán ĐVHD đang diễn ra như thế nào?
Bình luận 0

Clip hoạt động mua bán động vật hoang dã tại chợ chim trời ở Thạnh Hóa, Long An.
(Thực hiện: Nhóm PV - Biên tập: Đàm Duy)

Trước đây, năm 2003, loài người cũng phải đối mặt với đại dịch SARS cũng có nguyên nhân từ việc con người ăn thịt ĐVHD. Người ta đã tàn sát, ăn uống các “vật chủ trung gian gây bệnh dịch”, từ cầy hương, đến tê tê, dơi và nhiều loài vô tội khác.

Mới đây, từ “Thư ngỏ” đầy tâm huyết của 14 tổ chức bảo tồn đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và theo hồi đáp, dự kiến sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị quan trọng hòng chặn đứng tình trạng mua bán, tiêu thụ các loài ĐVHD.

Tại sao mãi “chỉ đạo”, “ra quân”, mà vẫn “nước đổ lá khoai”?

Để trả lời câu hỏi “thị trường đen” buôn bán ĐVHD đang ra sao, nhóm PV Dân Việt đã kỳ công hóa trang, điều tra, ghi hình, "phỏng vấn" bí mật nhiều ông bà chủ ở chợ chim trời và ĐVHD ở thị trấn huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An.

img

img

ĐVHD bị tàn sát tàn nhẫn, bày bán giữa chợ ở huyện lỵ Thạnh Hóa. (Ảnh: Nhớm PV)

Suốt từ năm 2018, danh xưng tai tiếng “địa ngục chim trời” ở Thạnh Hoá đã ầm ĩ và tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Sau khi chúng tôi lên tiếng, Bí thư Tỉnh ủy Long An bấy giờ đã có chỉ đạo chấn chỉnh tình hình.

Năm 2019, chúng tôi quay vào tìm hiểu, thấy nhiều bức ảnh điều tra của mình đã được cơ quan chức năng in ra, vẽ lên pano áp phích truyên truyền chống buôn bán các loài hoang dã ngay ven quốc lộ. Tuy nhiên, tình trạng cơ bản vẫn như vậy, ngoại trừ việc không còn cảnh treo cổ, treo xác động vật lên một cách thách thức luật pháp, gây phản cảm một cách phổ biến như trước nữa.

img

img

Đến khi dịch bệnh virus corona (Covid-19) trở nên nóng hơn, vào tháng 3, khi trở lại “địa ngục chim trời”, chúng tôi còn phát hiện ra nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm khác bị buôn bán hơn. Như vậy, rõ ràng tình trạng buôn bán ĐVHD vẫn còn nóng.

Những hình ảnh sau đây có thể khiến bất cứ ai phải cảm thấy buốt lòng, không ít người quá nhẫn tâm, quá thờ ơ, vô cảm trước sự hành hạ động vật hoang dã, xâm phạm thiên nhiên môi trường một cách nghiêm trọng.

img

img

img

Giữa thanh thiên bạch nhật, tình trạng này diễn ra thành cả một khu chợ đông đúc và nổi tiếng suốt bao năm, vậy đây có phải là một sự coi thường luật pháp? Vậy ai đã dung túng bao che cho sai phạm trên hay không? Ngoài các loài trong sách đỏ, trong danh mục bảo tồn quan trọng, kể cả các loài động vật hoang dã thông thường, theo quy định mới, việc săn bắt, buôn bán, sử dụng vẫn là vi phạm pháp luật.

Theo bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), mức án cho các vi phạm với “động vật rừng” thông thường (chưa kể loài quý hiếm trong “Sách đỏ”) cao nhất có thể lên tới 14 năm tù; mức phạt lên tới vài trăm triệu đồng. Với các loài quý hiếm như rái cá (mà bộ ảnh này đề cập), buôn một cá thể có thể phải chịu mức án từ 1-3 năm tù, còn buôn từ 8 cá thể trở lên, mức phạt cao nhất có thể là 10-15 năm tù.

img

img

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, hàng ngàn cá thể rùa, rắn, chim… đang bị săn bắt, buôn bán… đến chợ nông sản Thạnh Hóa (chợ chim Thạnh Hóa) để tập kết, buôn bán như một chợ đầu mối lớn về ĐVHD.

Cụ thể, từ ngày 9 - 12/3, PV có mặt tại đây, đã tận thấy cảnh buôn bán nhộn nhịp với hàng ngàn cá thể thuộc nhiều loại chim, thú khác nhau bị nhốt, giết thịt. Những chú chim non bị bắt từ tổ đem ra giữa khu chợ đông đúc bày bán. Những con chim cắt, gà nước, đại bàng biển, trít cồ… cũng chung số phận.

Từng“chùm” cò lửa, vạc bị vặt lông sống cố gắng dãy dụa trên tay con người, kêu lên thảm thiết. Những con cò bị khâu mắt, bẻ mỏ dãy đành đạch trước sức nóng của ngọn lửa bình ga mini phun lửa xanh lè vào cơ thể, đốt cháy lông và da chúng.

img

img

Ngoài chim, rắn cũng nhiều vô kể. Mỗi sáng, từng chiếc ô tô tải đến chợ với những thùng xe bịt kín chở đầy rắn, chuột. Những loại rắn thông thường đến rắn hổ mang chúa, hổ hành, ráo trâu nặng vài ký lô cũng được bày bán công khai ở chợ như chốn không người, bất chấp luật pháp đã nghiêm cấm.

Đặc biệt, trong thời gian dài điều tra, PV đã chứng kiến nhiều gian hàng có bày bán các loại như rùa ba gờ, rùa răng, rùa núi vàng, cua đinh… với số lượng hàng chục cá thể, trong đó các cá thể rùa nặng từ 15 - 20kg, tất cả đều được nhốt trong lồng sắt.

Động vật nguy cấp, quý hiếm bán như rau trong chợ

Ngày 10/3, khi có mặt tại chợ chim Thạnh Hóa, chúng tôi còn được nhiều tiểu thương ở đây giới thiệu đến một ki ốt có tên Yên Tâm. Tại đây, người ta đang nuôi nhốt một cá thể nghi là rái cá thuộc nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2019 và hàng chục cá thể rùa núi vàng, rùa răng, rùa ba gờ thuộc nhóm IIB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia (bằng việc gửi ảnh và video về), chúng tôi được biết, với hành vi nuôi nhốt cá thể rái cá (lớp thú), nếu buôn một cá thể, mức án sẽ từ 1-3 năm tù, còn nếu buôn từ 8 cá thể trở lên, người đó sẽ phải chịu mức án cao nhất là 10-15 năm tù.

img

img

img

Trước đó, trong một cuộc khảo sát, chúng tôi được chủ một ki ốt cho xem lồng nhốt cả con khỉ sống, nói rõ là bán cho người nấu cao. Chị này tự xưng mình tên là Diễm My, còn gửi hình ảnh rao bán với chúng tôi một cá thể vượn quý hiếm.

Như đã viết ở trên, sau này, từ việc tố cáo của chúng tôi, hình ảnh con vượn quý hiếm và con khỉ tội nghiệp trên đã được cơ quan chức năng địa phương in lên pano lớn, dựng bằng sắt như bức “tường thành” ngay ở khu dân cư gần đó.

img

img

Vậy nhưng, ngày 10/3, người ở ki ốt Diễm My vừa bán cho khách mua thịt chim, vừa quay ra quảng cáo với chúng tôi hai cá thể chim mà theo My là “đại bàng biển với giá 3 triệu đồng/con”. Còn một phụ nữ tên Đ đang trưng bày là những “chùm” chim với đủ các loại cò lửa, cò ốc (sen ốc), vạc, rắn, rùa; đồng thời rối rít khoe: “Người nhà em có hàng tấn chim đông lạnh. Nếu muốn lấy chim tươi sống cũng được. Khách ở Hà Nội đặt lấy liên tục và gửi bằng máy bay ra Hà Nội”. Một người ở ki ốt Yên Tâm khẳng định “có thể chuyển hàng đến khắp đất nước bằng đường hàng không (động vật sống) đường bộ (động vật đông lạnh)”…

img

img

img

Chúng tôi đã báo cáo cơ quan hữu trách, cũng như Cục Kiểm lâm Việt Nam, đề nghị điều tra xử lý dứt điểm tình trạng đau lòng kể trên.

Thông tin mới nhất PV nhận được, các cán bộ của Cục đã vào TP.HCM và phối hợp Kiểm lâm Vùng 3, cùng với nhà báo tại hiện trường.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Thủ tướng yêu cầu có Chỉ thị về việc nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD

Ngày 6/3/2019 Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1744/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem