Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi

Thứ ba, ngày 08/06/2010 08:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thông tin UBND tỉnh Quảng Ngãi dự kiến lập Quỹ hỗ trợ ngư dân vươn khơi được các địa phương có nghề cá ở miền Trung sôi nổi hưởng ứng. Nếu được hỗ trợ, việc bám biển của ngư dân sẽ thuận lợi hơn.
Bình luận 0
img
Nếu được hỗ trợ, tàu cá ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) không phải nằm bờ nhiều thế này.

Khó nhọc vươn khơi

Chỉ riêng ở Quảng Ngãi, một năm qua có ít nhất 12 tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trên lãnh hải Việt Nam, nhất là khu vực Hoàng Sa, bị bắt giữ trái phép, bị đòi tiền chuộc, bị thu tàu, ngư cụ. Có ngư dân chưa đầy 1 năm, bị bắt đến 2 lần, như ông Nguyễn Tấn Lự, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Thê thảm hơn, có người bị bắt đến 4 lần, như ông Tiêu Viết Là ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu. Anh Nguyễn Văn Hải (36 tuổi), ngư dân ở An Vĩnh, so sánh: “Bị nước ngoài bắt cũng giống như gặp thiên tai, không sạt nghiệp cũng thiệt mạng”.

Chưa nói bắt, nếu bị nước ngoài cấm biển, ngư dân cũng điêu đứng. Ông Đinh Văn Giò, ngư dân ở Đà Nẵng than thở: “Vừa rồi, họ cấm ở tọa độ 12 độ vĩ Bắc tới 113 độ kinh Đông, chẳng khác nào “bịt” đường ra biển của chúng tôi. Trong khi đó, mùa này cá thường tìm về khu vực có các rạn san hô như quanh khu vực Hoàng Sa. Không được đánh bắt ở những nơi đó chỉ có “đói”.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, nhiều chủ tàu đành ngậm ngùi xả bán tàu thuyền giải nghệ. Chủ cơ sở đóng sửa tàu biển Trần Văn Lý (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, anh đang nhận hàng chục chiếc tàu của ngư dân xả bán phế liệu với giá rẻ mạt.

“Hãy cho chúng tôi một điểm tựa”

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định hỗ trợ 332 triệu đồng cho 29 phương tiện của ngư dân gặp nạn trên biển trong thời gian từ 1-5-2009 đến 30-9-2009. Trong số các phương tiện được nhận tiền hỗ trợ, có 10 phương tiện bị hỏng hóc khi tham gia cứu nạn cứu hộ, 6 trường hợp tàu cá bị tàu lạ đâm chìm, 12 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ và 1 tàu cá bị tai nạn.

Ra khơi gian nan như vậy nhưng đa phần ngư dân miền Trung không bỏ biển, không bỏ nghề. Ngư dân Hoàng Văn Minh (47 tuổi An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng) bộc bạch: “Một đời đi biển, chúng tôi coi ra khơi, dù là Hoàng Sa hay Trường Sa, là về nhà, không thể gặp khó khăn là chùn bước. Tuy nhiên chỉ có ý chí, lòng yêu biển không thì khó lắm. Chúng tôi cần một điểm tựa”.

Điều lão ngư Minh cần là “Nhà nước quan tâm hỗ trợ tiền dầu, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để nâng công suất tàu thuyền vươn khơi”.

Ngư dân Nguyễn Hùng (52 tuổi), ở xã An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) cũng đồng ý như vậy: “Nhà nước nên hỗ trợ dầu, cho vay ưu đãi để ngư dân trang bị phương tiện liên lạc hiện đại để mạnh dạn xông pha những vùng nhiều “rủi ro” như Hoàng Sa”.

Ông Trần Tiến, ngư dân Núi Thành (Quảng Nam) lo xa: Mỗi ngư dân ra biển lo kiếm cơm nuôi ít nhất 4 người ở nhà. Nếu lỡ có chuyện gì thì cũng mong được hỗ trợ gạo cơm cho người nhà, hoặc hỗ trợ sắm mới tàu thuyền để thế hệ kế tiếp lại ra khơi. “Đừng để chúng tôi tự bơi trong lúc có quá nhiều khó khăn này”- ông Tiến đề nghị.

Hỗ trợ gì cho ngư dân?

Các ngành chức năng cũng hiểu nỗi niềm này của bà con và đang có nhiều giải pháp giúp đỡ. Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đang trình UBND tỉnh này thông qua đề án hỗ trợ ngư dân nâng cấp công suất tàu thuyền để vươn khơi. Đối với tàu đóng mới sử dụng máy thủy mới 100%, có công suất từ 90 đến dưới 250CV, hỗ trợ 80 triệu đồng mỗi tàu; từ 250CV đến dưới 400CV, hỗ trợ 100 triệu đồng; từ 400CV trở lên, hỗ trợ 120 triệu đồng...

Ông Phùng Đình Toàn - Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Ngãi cho biết, tỉnh này có phương án hỗ trợ gạo, tiền đối với ngư dân có tàu bị nước ngoài bắt giữ. Sở NN&PTNT cũng đang đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó sẽ ưu tiên hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa.

Ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi- rất hoan nghênh ý kiến thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân mà Sở NN&PTNT tỉnh này đề xuất. Ông cho biết đang chỉ đạo Sở NN&PTNT soạn thảo chi tiết nội dung của quỹ để tỉnh thông qua.

Ông Nhi tin rằng, quỹ này đi vào thực tế sẽ là nguồn động lực để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, mưu sinh một cách hợp pháp trên lãnh hải Việt Nam và góp phần khẳng định chủ quyền an ninh biển đảo. Về nguồn vốn cho quỹ, ông Nhi dự kiến sẽ có một phần ngân sách, phần khác kêu gọi từ sự đóng góp...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem