Độc đáo bảo vật phù lưu “Quốc Tổ Lạc Long Quân”

Thành An Thứ năm, ngày 02/04/2020 06:14 AM (GMT+7)
Tại thôn Bình Đà, xã Bình Minh (Thanh Oai, Hà Nội), đền Nội tọa lạc trong khuôn viên 10.000m2, quanh năm rợp mát bóng cây. Cụ thủ từ đền Nội Nguyễn Văn Mão cho biết, 4 chữ nơi cửa đền là Vi Bách Việt Tổ (Tổ của trăm họ Việt) cùng đôi câu đối “Tứ phương hội tụ ngưỡng chi ân Quốc Tổ - Vạn lý hành hương mộ cổ địa Bảo Đà”. Vế thứ hai rõ ý chỉ ngôi mộ Quốc Tổ Lạc Long Quân đang được đặt tại nơi này.
Bình luận 0

Ở hậu cung đền Nội, đặt trang trọng và ngay trung tâm là bức phù lưu - theo cụ Mão thì nó “độc nhất vô nhị” tạc hình Quốc Tổ Lạc Long Quân. Bức phù điêu có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, được công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2015.

img

Bức phù lưu tạc hình Quốc Tổ Lạc Long Quân đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016. Ảnh: Thành An

Cụ Mão sau khi  kính dâng lên Đức Lạc Long Quân nén nhang, chậm rãi nói: “Bức phù lưu giá tượng có tên là “Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng các quan văn, võ xem hội đua thuyền”. Bức phù lưu có 5 tầng, chiều dài 2,8m và rộng 2,2m. Trên hàng đầu có 20 vị quan văn mặc áo thụng, tay cầm hốt, đầu đội mũ cánh chuồn; 16 vị quan võ mang cân đai bố tử hùng dũng, quắc thước, cầm long đao; 18 thị nữ dâng hòm sớ với đủ loại cờ quạt, tàn tán, ô, lọng.

Ngoài ra mỗi bên Bức phù lưu còn có 2 con voi và 2 con hổ, ngựa... với ý nghĩa bảo vệ. Trước mặt là cảnh sông nước mênh mang hiện lên con thuyền rồng cong mũi như đang rẽ sóng lao nhanh với hai hàng trai tráng gò mình mải miết tay chèo.

Nổi bật trong bức phù lưu là chân dung Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng, đội vương miện chạm lưỡng long chầu nguyệt, khoác áo hoàng bào, vóc dáng bệ vệ, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu… Ánh mắt Lạc Long Quân như dõi xa xăm, cùng quan văn võ bá quan xét duyệt, theo dõi đội đua thuyền trên đường diệt thủy quái - một hình thức sinh hoạt truyền thống của người Việt cổ.

Tục truyền, bức phù lưu được khởi dựng từ thời nhà Đinh, khi Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân lên làm vua (tức Đinh Tiên Hoàng) đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự “Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ”. Người đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách, cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù lưu này.

Theo cụ thủ từ Nguyễn Văn Mão, đất Bình Đà xưa kia là biển, đền Nội gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha. Đất Bình Đà là nơi Lạc Long Quân lệnh cho các con dừng chân xây dựng cơ nghiệp. Khi Quốc Tổ về trời, ngài được các Vua Hùng và dân làng an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà (Bình Đà ngày nay). Tri ân công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà lập ngôi đền Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt Tổ” (Tổ Dân Bách Việt).

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem