Đồng bằng sông Cửu Long: Tràn ngập rác thải thuốc bảo vệ thực vật

Ngọc Quyên Chủ nhật, ngày 17/08/2014 07:19 AM (GMT+7)
Khối lượng chất thải nguy hại từ rác thải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang ở mức báo động. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý ở các vùng nông thôn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Đầu độc môi trường sống

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Chi cục BVTV các địa phương vùng ĐBSCL cho biết thì hàng năm bình quân lượng rác thải từ thuốc BVTV lên đến con số hàng trăm tấn. Lão nông Lương Văn Ân ngụ khu vực 2, phường 5, TP.Vị Thanh thật thà cho biết: “Từ trước đến nay, không chỉ tôi mà những bà con nông dân khác đều có thói quen trộn thuốc ngoài ruộng, rồi vỏ bao thuốc, chai lọ sau khi sử dụng ngoài bờ ruộng. Mỗi vụ lúa phải phun xịt các loại thuốc ít nhất 5 lần, lượng vỏ chai cũng lớn”.

Phản ánh về tình hình này, bà Nguyễn Thanh Thúy – Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trung bình mỗi vụ lúa lượng vỏ chai thuốc BVTV khoảng 300gr/ha trong khi diện tích sản xuất lúa của toàn tỉnh khoảng 70.000ha/vụ, tính trong 3 vụ thì lượng rác thải, vỏ chai từ thuốc BVTV phát sinh từ 5-7 tấn”. Bà Thúy cho biết thêm: “Lượng thuốc BVTV tồn lưu trong các bao bì, chai lọ sau khi sử dụng chiếm khoảng 2% thể tích. Đó chủ yếu là các loại chất thải độc hại rất khó phân hủy, nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường là rất cao. Nhưng việc thu gom, xử lý còn gặp nhiều khó khăn, từ đó gây ra những tác động xấu đối với môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe cộng đồng” .

Tình trạng đó cũng diễn ra ở Bạc Liêu, theo Chi cục BVTV Bạc Liêu, mỗi năm nông dân Bạc Liêu thải ra môi trường trên dưới 100 tấn rác thải BVTV. Phần lớn các loại rác thải BVTV là những chất rắn, chất khó phân hủy.

Gian nan xử lý rác thải

Chi cục BVTV tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh hiện chỉ có 40 điểm thu gom (hố chứa) rác thải, vỏ chai từ thuốc BVTV. Tính từ vụ đông xuân đến hè thu năm nay, toàn tỉnh chỉ thu gom và xử lý được 540kg vỏ chai thuốc BVTV, trong đó có đến 205kg được thực hiện từ mô hình điểm ở ấp 4, xã Thuận Hòa, huyện Phụng Hiệp.

Ông Đặng Kiềm - Trưởng trạm BVTV huyện Châu Thành A, Hậu Giang cho biết: “Diện tích sản xuất lúa của toàn huyện là khoảng 9.500ha, trong khi chỉ có 3 hố chứa rác thải BVTV được các cơ quan đơn vị đầu tư cho xã Trường Long Tây và cánh đồng mẫu của huyện. 3 hố rác đó chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu lưu giữ các bao bì, vỏ chai thuốc BVTV trên địa bàn huyện... Trong năm 2013, huyện tổ chức 2 lần thu gom rác thải từ thuốc BVTV, số lượng thu được là 122kg”.

Để nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu gom các bao bì thuốc BVTV theo bà Nguyễn Thanh Thúy – Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh Hậu Giang: “Cần có nhiều hơn nữa chính sách thiết thực để khuyến khích nông dân thu gom rác thải, vỏ chai khi đã sử dụng. Về lâu dài, chi cục kêu gọi các đơn vị hỗ trợ kinh phí, phương tiện để xây dựng hố chứa rác, vận chuyển, tiêu hủy rác thải từ thuốc BVTV đúng quy định”.

Tại Bạc Liêu, trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ lượng rác thải BVTV lên mức báo động, địa phương áp dụng thí điểm thu gom rác ở 2 xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) và Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) nhưng mỗi năm cũng chỉ thu được không quá 1 tấn rác thải thuốc BVTV.

Ông Trần Văn Na - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bạc Liêu lo lắng: “Mặc dù ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng an toàn thuốc BVTV và cách xử lý rác thải thuốc BVTV, nhưng hiện nay, vẫn có hơn 60% nông dân vứt vỏ bao bì, vỏ chai thuốc BVTV ra môi trường. Nếu không có ý thức bảo vệ môi trường thì chính nông dân đang tự đầu độc, hủy hoại môi trường sinh thái ở nông thôn”.

  Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN,  ở các địa phương vùng ĐBSCL phần lớn các hố chứa rác thải, vỏ chai thuốc BVTV, chủ yếu do các công ty, chương trình làm. Còn chính quyền địa phương vẫn chưa “mặn mòi” lắm trong việc tìm phương hướng xử lý các loại chất thải rác độc hại này. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem