Sau khi Dân Việt đăng bài "Dự án cống hoá mương Phan Kế Bính: Đầu tư 10 năm, phá dỡ 10 ngày", GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và Kinh tế ASEAN Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp luật (Bộ Tư pháp), nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội, đã bày tỏ quan điểm về dự án này. Dân Việt xin trích đăng bài viết này.
Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính là dự án do TP.Hà Nội tổ chức đấu thầu nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng trên địa bàn thành phố (TP). Đây là dự án cải tạo hạ tầng của Hà Nội bằng vốn của doanh nghiệp (DN) tư nhân dưới hình thức BOT, sau đó một năm chuyển sang BT. Cho dù tiền của DN nhưng về bản chất thì những công trình xây dựng trên diện tích 6.078m2 ở phường Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội) là tài sản, quyền tài sản của TP căn cứ theo Hợp đồng BOT và đặc biệt là BT.
Cân nhắc việc hủy bỏ tài sản doanh nghiệp
GS.TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và Kinh tế ASEAN Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp luật (Bộ Tư pháp), nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội
Những tài sản này đang được tạm thời giao cho Công ty cổ phần Đa quốc gia (Công ty Đa quốc gia) quản lý và khai thác trong một thời gian nhất định và sau đó chuyển giao cho TP. Cần nhận thức rõ đấy là tài sản hoặc quyền tài sản của TP.Hà Nội mà Công ty Đa quốc gia đang quản lý, khai thác. Chính vì vậy, cần xác định thẩm quyền đối với việc hủy bỏ tài sản đang tồn tại trên diện tích này. Tuy nhiên, chắc chắn thẩm quyền đó không thuộc về UBND Quận Ba Đình và càng không thuộc UBND phường Cống Vị.
Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính là kết quả của cuộc đấu thầu do TP.Hà Nội tổ chức phù hợp với qui định của pháp luật có hiệu lực ở thời điểm đó. Đã có những sai sót xảy ra và Thanh tra TP.Hà Nội đã chỉ rõ trong Kết luận thanh tra số 559/KL-TTTP (PI) ngày 14.4.2010. Tuy nhiên, trong kết luận của mình, Thanh tra TP đề nghị UBND TP cho tiếp tục Dự án bằng phương thức BT.
Rõ ràng là Hợp đồng BOT hay sau đó là Hợp đồng BT giữa TP và Công ty Đa quốc gia vẫn có hiệu lực. Các cam kết giữa các Bên phải được thực hiện đồng thời các vi phạm phải được khắc phục.
Theo luật sư Hạnh, trong số những vi phạm diễn ra, không có vi phạm nào phạm nghiêm trọng dẫn đến mục tiêu của dự án, mục tiêu của hợp đồng không thể thực hiện được hoặc dẫn đến những hành vi tham nhũng cần được xử lý hình sự.
Tôi không cho rằng các quyết định của UBND TP.Hà Nội, của các cơ quan chức năng như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường là những sai phạm pháp luật nghiêm trọng.
Những sai phạm của Công ty Đa quốc gia không làm cho mục tiêu dự án bị triệt tiêu. Mương vẫn thoát nước, vẫn hoạt động, môi trường sinh thái trở nên trong lành hơn, mỹ quan khu phố này tốt hơn nhiều. Do đó, tôi vẫn cho rằng không cần thiết phải phải chấm dứt Dự án này.
Nếu UBND TP.Hà Nội vẫn kiên quyết đơn phương vi phạm thỏa thuận đã cam kết với với DN khi chưa có những lý do chính đáng, luật định sẽ làm cho niềm tin của DN và chủ trương, chính sách của chính quyền TP bị suy giảm.
Mương Phan Kế Bính trước khi chủ đầu tư triển khai dự án cống hoá mương theo chủ trương xã hội hoá của UBND TP. Hà Nội
Ở khía cạnh khác, chẳng lẽ cả một hệ thống các cơ quan chức năng đồ sộ, có chuyên môn cao của TP lại không có bất cứ sự kiểm soát nào đối với Dự án, không có tham mưu đúng đắn nào để xử lý vấn đề trong suốt 10 năm qua đến mức Văn phòng Chính phủ có kết luận là TP.Hà Nội vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Tôi không cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính đã làm thay đổi mục tiêu sử dụng đất theo quy hoạch ở đây. Mương thoát được vẫn tồn tại, diện tích đất trên mặt mương được cống hóa là thuộc quyền quản lý của Sở giao thông công chính Hà Nội (nay là Sở GTVT Hà Nội). Hơn nữa, đất ở đây giao cho Dự án chứ không phải giao cho chủ DN và chỉ với thời hạn 20 năm.
Cần tiếng nói chung giữa thành phố và nhà đầu tư
Trong vụ việc liên quan đến Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, ngay cả khi muốn dỡ bỏ các công trình của Dự án, UBND TP.Hà Nội phải có những giải pháp, quyết định hành chính phù hợp hơn là buộc tháo dỡ trong vòng 10 ngày.
Liệu có đúng pháp luật nếu UBND TP chỉ bằng một quyết định của UBND quận Ba Đình hay thông báo của UBND phường Cống Vị là có thể chấm dứt hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, chấm dứt Dự án?. UBND TP chính là chủ thể ký các hợp đồng với Công ty Đa quốc gia đồng thời ra các quyết định, tiến hành các hoạt động cần thiết để thực hiện các cam kết theo hợp đồng.
Doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực hiện dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ sau khi được TP.Hà Nội đồng ý
Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính là cam kết giữa DN và chính quyền TP.Hà Nội dưới dạng hợp đồng BOT và sau đó là BT. Chính vì vậy, UBND Hà Nội không nên đơn phương hủy bỏ hợp đồng này nếu không có những đàm phán cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Luật sư Hạnh cho rằng, nếu UBND TP.Hà Nội chấm dứt dự án này không theo thỏa thuận và với những bồi thường thỏa đáng cho DN thì việc chấm dứt, thu hồi Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính là trái với Hiến pháp, trái với quy định của Luật đầu tư. Khoản 3, Điều 32 Hiến pháp năm 2013; chưa phù hợp với các qui định đã nêu trong Điều 9 của Luật đầu tư 2014. Ở thời điểm hiện tại, UBND TP, UBND quận Ba Đình và UBND phường Cống Vị chưa đưa ra được các căn cứ hiến định hay luật định để chấm dứt hợp đồng BT thực hiện Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, chứ chưa nói đến phá dỡ, tịch thu tài sản của Dự án.
"Quyết định liên quan đến việc cưỡng chế, chấm dứt và thu hồi Dự án có điều gì đó không ổn ở khía cạnh chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, về tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bất kể thuộc thành phần kinh tế nào" - GS.TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và Kinh tế ASEAN Hội Luật gia Việt Nam. |
Mặt khác, một khía cạnh nữa cần nhấn mạnh là mục tiêu của Dự án đặt trong sự phân tích các vi phạm của Công ty Đa quốc gia, những vi phạm của các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội.
Ngày 30.5.2014, Đội kiểm tra liên ngành thực hiện chỉ đạo của UBND Quận Ba Đình tiến hành kiểm tra đánh giá thực trạng Dự án và những vi phạm của Công ty Đa quốc gia. Đội thanh tra liên ngành đã có đánh giá tổng thể hiện trạng của Dự án, xác định rõ các vi phạm. Tuy nhiên, Thanh tra kết luận cho phép Công ty Đa quốc gia giữ nguyên hiện trạng, không được triển khai thêm bất cứ công trình mới nào. Từ 2014 đến thời điểm hiện tại, Công ty Đa quốc gia đã thực hiện đúng kết luận của Đội công tác liên ngành.
Việc UBND Quận cho phép giữ nguyên hiện trạng cho thấy những vi phạm của Công ty Đa quốc gia chưa nghiêm trọng đến mức gây bức xúc xã hội, gây mất trật tự an toàn giao thông, gây thiệt hại cho cộng đồng. Đặc biệt là những vi phạm này không triệt tiêu mục đích của Dự án.
Chính vì vậy, sẽ không công bằng nếu vì những vi phạm mà chính quyền quận Ba Đình đã bỏ qua, không xử lý để làm lý do cho việc đơn phương chấm dứt, thu hồi Dự án. Sẽ là một lãng phí lớn về tài sản cho TP nếu không có cách tiếp cận đúng đối với Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính.
Cần vai trò kiến tạo của chính quyền
Nhìn ở góc độ giá trị thì dễ thấy Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính đã mang lại những giá trị xã hội, kinh tế nhất định như bảo vệ môi trường, tạo thuận lợi cho việc đỗ xe, giảm ách tắc giao thông ở tuyến đường Phan Kế Bình, tạo dựng cho thành phố những tài sản thuộc kết cấu hạ tầng.
Một bãi xe rộng hàng trăm mét vuông đầu phố Phan Kế Bính – Linh Lang nằm trong diện tích dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ
Xét ở những giá trị này thì Dự án cần được tiếp tục duy trì với những điều chỉnh cần để các bên thực hiện đúng cam kết ban đầu. Trong mọi trường hợp TP cần tạo điều kiện để doanh nghiệp bù đắp nguồn vốn quá lớn đã bỏ ra trước khi chuyển lại toàn bộ các công hạng mục đã xây dựng cho TP.
Trên thực tế, DN thực sự đã và đang đối mặt với khoản nợ Ngân hàng rất lớn, đồng thời bị khởi kiện tại Tòa án do quá hạn thanh toán vì không có nguồn thu từ dự án như cam kết. Đây cũng chính là lý do vì sao DN không thể nộp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đã sử dụng để thế chấp vay vốn tại Ngân hàng. Suy cho cùng, thì đây là tài sản của TP, tài sản của xã hội. Khai thác hiệu quả chúng có lợi không chỉ cho DN mà cho TP, cho cộng đồng.
Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính cần được tiếp tục vì nó chứng tỏ sự liêm chính, dân chủ của chính quyền TP.Hà Nội.
Quan hệ phát sinh từ Dự án án cống hóa mương Phan Kế Bính là quan hệ đầu tư thương mại dựa trên thoả thuận, bình đẳng. Trong quan hệ này, không nên sử dụng quyền lực hành chính, sự áp đặt ngoại trừ việc xử lý các vi phạm xảy ra nhưng đó là khía cạnh khác của quan hệ phát sinh từ Dự án.
Đặc biệt, trong cách tiếp cận của chính quyền TP các cấp cần phải chặn sự chen chân của bất cứ nhóm lợi ích nào. "Nếu để điều đó xảy ra thì Dự án án cống hóa mương Phan Kế Bính sẽ trở thành cuộc chiến đấu khốc liệt giành quyền khai thác lợi ích từ thành quả của chủ trương xã hội hóa. Hy vọng TP sẽ có những giải pháp phù hợp với pháp luật đối với chính ngay những tài sản đang thuộc sở hữu của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.