Đưa các vụ án điểm xét xử trước đại hội Đảng XII: Làm rõ hơn trách nhiệm trước Đảng

Lương Kết (thực hiện) Thứ hai, ngày 05/10/2015 07:03 AM (GMT+7)
Một trong những nội dung kết luận đáng chú ý tại phiên họp lần thứ 8 của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) là đưa 8 vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm ra xét xử trước kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng. Phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN thống nhất đưa 8 vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế ra xét xử trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII. Theo nhìn nhận của ông, việc này có ý nghĩa ra sao thưa ông?

- Việc PCTN phải làm liên tục, thường xuyên như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói "PCTN phải kiên quyết và kiên trì". Việc Ban chỉ đạo thống nhất đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử trước thềm Đại hội lần thứ XII của Đảng là việc chủ động. Bởi trong điều kiện của chúng ta, với một Đảng cầm quyền thì các đảng viên đều có vị trí ở trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước. Mọi vụ việc xảy ra trong xã hội, nói một cách nghiêm túc và rõ ràng là Đảng phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm của người lãnh đạo.

img

Vụ án Dương Thanh Cường làm thất thoát 800 tỷ đồng tại Công ty Dệt kim Đông Phương, TP, HCM sẽ sớm được đưa ra xét xử. Ảnh:  I.T

Ở một khía cạnh khác, việc thống nhất đưa những vụ án trọng điểm ra xét xử trước Đại hội lần thứ XII của Đảng là để thấy rõ hơn trách nhiệm của những tập thể, cá nhân. Qua đó, để các cấp ủy thấy được trách nhiệm lãnh đạo của mình khi để xảy ra tham nhũng trong phạm vi mình quản lý, lãnh đạo, rồi những cá nhân lãnh đạo các cấp thấy được trách nhiệm trong việc để xảy ra tham nhũng.

Bên cạnh đó nó còn làm gương, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới của Đảng các cấp. Hiện các tỉnh thành, địa phương đang tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ. Điều đó không có nghĩa đại hội xong rồi là an bài, đại hội Đảng ở cấp của anh xong rồi nhưng nếu anh có liên quan đến sai phạm vẫn xử lý trách nhiệm.

Việc này Đảng ta đã làm, tôi nhớ trước đây có đồng chí lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, khi kiểm tra thấy trách nhiệm của đồng chí liên quan đến một vụ án thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư vẫn yêu cầu làm nghiêm túc, vì đồng chí đó vẫn là đảng viên nên phải kiểm điểm trách nhiệm.

Nói tóm lại, mỗi kỳ Đại hội Đảng là tổng kết lại một giai đoạn 5 năm đã qua, chuẩn bị cho giai đoạn mới, qua sự kiện đưa các vụ án trọng điểm ra xét xử để thấy là chúng ta phải làm rõ, đúng thực trạng.

Thông báo của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN cũng thẳng thắn nhìn nhận việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Theo ông đâu là nguyên nhân chính?

- Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN nhận xét rất bám sát với thực tế. Tại sao việc PCTN chưa đạt yêu cầu như mong muốn, theo tôi đó là quyết tâm chính trị của các cấp ủy chưa đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề nữa là chúng ta còn  tâm lý nể  nang bởi đó là giặc nội xâm, nói một cách ví von "dùng tay này đánh vào tay kia". Để làm được việc này thì cần quyết tâm chính trị rất cao, không được nể nang né tránh. Phải sát dân hơn, phải hỏi dân. Khi nghe dân rồi thì bộ máy cơ quan nhà nước về PCTN phải vào cuộc ngay.

Như bài học về phương châm hành động của Ủy ban Kiểm tra T.Ư trước đây đã rút ra là "chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả". Tới đây tổng kết có thể bổ sung thêm nhưng phương châm đó vào công tác PCTN.

Ông có đánh giá gì trước chủ trương xây dựng Đề án "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay"?

- Chủ trương này rất đúng, bởi khi xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng thì sự phối hợp của các cơ quan chức năng còn yếu; những phản ứng nội bộ khi xem xét những vấn đề tiêu cực chưa tốt.

Vấn đề tham nhũng liên quan đến nội bộ, liên quan đến cán bộ, đảng viên trong nội bộ đó. Chính vì thế tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là rất cần thiết.

Đề án cần phải làm thế nào cụ thể hóa tất cả các "thao tác" để nhạy bén trong việc phát hiện thông tin, nhanh chóng xử lý những vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng của cán bộ, đảng viên, ngăn cản và loại trừ những việc tác động để bao che. Đề án cần tạo ra sự chủ động của Đảng, chủ động của các cơ quan chức năng hơn nữa trong việc PCTN. Làm sao để mỗi đảng viên phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với công tác PCTN...

Xin cảm ơn ông!

Ban chỉ đạo PCTN T.Ư  đã thống nhất chủ trương, trước Đại hội XII của Đảng, đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm, liên quan đến các cá nhân: Lâm Ngọc Khuân, Phạm Văn Cử, Trần Quốc Đông, Dương Thanh Cường, Vũ Quốc Hảo, Phạm Thị Bích Lương, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Thế Dũng cùng các đồng phạm. Ban chỉ đạo cũng thống nhất giao Đảng uỷ Công an Trung ương, Ban cán sự  Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương tích cực phối hợp, đẩy nhanh tiến độ để đưa các vụ án trên ra xét xử theo dự kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem