Đừng ảo tưởng Nghị quyết là “chổi thần” quét sạch tham nhũng

Lan Uyên (thực hiện) Thứ bảy, ngày 12/05/2018 07:08 AM (GMT+7)
Tham nhũng đã là “bệnh trầm kha”, phải dùng đúng “thuốc” để trị dần dần. Không thể “ảo tưởng” Nghị quyết về cán bộ có thể là chiếc “chổi thần” quét sạch, xóa sạch tham nhũng.
Bình luận 0

PGS, TS Nguyễn Viết Thông – Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ trao đổi với Dân Việt xung quanh những quy định, tiêu chí mới trong Đề án“Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” đang được Hội nghị TƯ 7 cho ý kiến.

img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm của Đảng

Công tác cán bộ và 4 chữ "ệ"

Hàng loạt các vụ đại án tham nhũng gần đây đều liên quan trực tiếp đến các cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, cho thấy công tác cán bộ đang bộc lộ nhiều yếu kém. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

- Cách đây 20 năm Ban chấp hành TƯ Đảng đã ra Nghị quyết về chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH. Việc thực hiện chiến lược ấy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm.

Ngay từ Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ trong công tác cán bộ xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, thậm chí kể cả chạy bằng cấp chạy huân huy chương. Như vậy những yếu kém trong công tác cán bộ có từ nhiều năm nay chứ không phải qua những vụ vừa rồi mới thấy sự yếu kém.

Tuy nhiên có thể thấy, mới đây, khi Đảng đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thì mới phát hiện ra nhiều những đại án tham nhũng, qua đó có thêm bằng chứng về công tác cán bộ của ta còn nhiều sơ hở, để cho người không đủ tài đức vẫn lọt vào các cơ quan làm lãnh đạo.

Điển hình như Trịnh Xuân Thanh, hay kể cả cán bộ cấp cao cấp chiến lược như ông Đinh La Thăng và nhiều trường hợp khác nữa chúng ta đã xử lý. Qua những vụ việc nghiêm trọng đó để thấy đã đến lúc chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược.

Ngay trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra vấn đề liệu có khắc phục được tình trạng tham nhũng, chạy chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu? Đây rõ ràng là vấn đề vô cùng nan giải, là mối bận tâm lớn nhất trong công tác cán bộ, thưa ông?

- Phải nói rằng những năm gần đây tình trạng chạy chức chạy quyền, thân quen, cánh hẩu đã khá phổ biến. Ngay trong việc bổ nhiệm cán bộ, lâu nay người ta cũng đã khái quát thành mấy chữ ệ: hậu duệ - quan hệ - tiền tệ - trí tuệ. Đáng buồn là trí tuệ lại đứng cuối cùng.

Nhiều lần Tổng Bí thư đã nói tình trạng này đang làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với chế độ, đe dọa sự sống còn của Đảng của chế độ. Do đó đây là cuộc đấu tranh cam go phức tạp lâu dài. Chúng ta không nên ảo tưởng, cho rằng ra được Nghị quyết về cán bộ thì sẽ như chổi thần xóa được vấn nạn đó.

Thực tế Nghị quyết những năm gần đây chúng ta cũng đều đặt ra mục tiêu ngăn chặn đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí nhưng sau mấy năm sơ kết tổng kết chúng ta đều đánh giá chưa đạt yêu cầu.

Theo tôi, nếu TƯ tập trung thảo luận, nhận thức rõ vấn đề, đặt ra những biện pháp khả thi thì chúng ta có thể ngăn chặn đẩy lùi được tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, trong đó có cánh hẩu lợi ích nhóm, thân quen nhưng nếu bảo xóa ngay được thì lại là ảo tưởng. Cuộc đấu tranh này còn cam go lắm.

img

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: "Đảng ta phải quyết liệt hơn nữa để làm sao “trên nóng, giữa nóng, dưới cũng nóng”

Tiêu chí "không tham nhũng" chỉ là một

Vậy đứng trước thực trạng đó, theo ông cán bộ cấp cao, cấp chiến lược cần phải có những tiêu chí như thế nào?

- Về đại thể những tiêu chí cơ bản vẫn có giá trị lâu dài nhưng tùy theo từng giai đoạn cách mạng thì ta nhấn mạnh tiêu chí này hay tiêu chí khác.

Bây giờ tình trạng tham nhũng lãng phí đang gây bức xúc trong xã hội thì phải nhấn mạnh tiêu chí bản thân không tham nhũng, phải gương mẫu đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bản thân vợ con gia đình không lợi dụng chức danh của vợ hoặc chồng để tham nhũng.

"Thực tế vừa rồi Đảng đã có những chủ trương, quyết sách quyết liệt trong xử lý cán bộ sai phạm. Dư luận ban đầu cho rằng “trên nóng dưới lạnh”, nhưng đến giờ phút này thì “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” như vậy cũng có sự chuyển biến".

Ví dụ nóng bỏng là trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh ở Đồng Nai mà vừa rồi Ban Bí thư đã cho ý kiến cách mọi chức vụ trong Đảng. Khi bà ấy đang trong chính quyền đã ký công văn có lợi cho công ty của chồng. Không chỉ mình bà Thanh, còn nhiều vụ tương tự như ở Yên Bái, cũng lợi dụng vị trí công tác để làm sai, tư lợi cá nhân.

Đứng trước thực tế này, bây giờ, chúng ta càng phải đặt tiêu chí “không tham nhũng” làm trọng. Tuy nhiên đây là tiêu chí về mặt đạo đức. Bên cạnh đó cán bộ cấp chiến lược phải đáp ứng tiêu chí về chính trị: phải có tư duy tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải kiên định chủ nghĩa Mác Lê Nin tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH –đây là tiêu chuẩn chính trị không thể hạ thấp.

Theo ông, sự quyết liệt của Đảng trong xử lý cán bộ sai phạm, hướng tới mục tiêu “không có vùng cấm, vùng nhạy cảm” có nên được coi là một giải pháp cần nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay để ngăn chặn tình trạng suy thoái trong Đảng?

- Thực tế vừa rồi Đảng đã có những chủ trương, quyết sách quyết liệt trong xử lý cán bộ sai phạm. Dư luận ban đầu cho rằng “trên nóng dưới lạnh”, nhưng đến giờ phút này thì “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” như vậy cũng có sự chuyển biến.

Tuy nhiên tới đây người dân vẫn đòi hỏi Đảng ta phải quyết liệt hơn nữa để làm sao “trên nóng, giữa nóng, dưới cũng nóng”, tức là toàn Đảng từ trung ương đến cơ sở phải quyết liệt và để quyết liệt được thì đầu tiên cán bộ cấp chiến lược đặc biệt là Bộ chính trị, Ban bí thư, người đứng đầu các cấp phải tiếp tục chỉ đạo kiên quyết hơn nữa.

Vừa rồi, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội cũng đều trả lời không có vùng cấm, xử lý nghiêm bất kể người đó là ai, kể cả là Ủy viên trung ương, kể cả Ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư.  Lâu nay chúng ta chỉ nói không có vùng cấm, nhưng chưa ai nói trực tiếp, cụ thể thế.

Lần này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói với cử tri cả nước, qua đó cũng thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng không có vùng cấm vùng nhạy cảm, “pháp luật bất vị thân” – là là quyết tâm lớn, là cơ sở để chúng ta có thể tin tưởng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem