Đừng coi bia rượu như ma túy

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 09/05/2017 12:50 PM (GMT+7)
Nhiều đại biểu đã cho rằng không nên coi bia rượu độc hại như ma túy và tăng thuế quá cao, bởi mặt trái của các quy định này sẽ làm cho bia rượu lậu “hoành hành”.
Bình luận 0

img

Tại buổi tọa đàm về Đề xuất xây dựng Dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, các đại biểu cho rằng, đừng coi bia rượu như ma túy

Tại buổi Tọa đàm về đề xuất xây dựng Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia do Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA)  tổ chức sáng 9.5, nhiều đại biểu đã đưa ra các lý lẽ “minh oan” cho bia, rượu.

PGS. TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết: Bia rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện; Việt Nam đang có đầy đủ quy định về Luật đối với bia, rượu nên cần cân nhắc khi đưa Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia.

Ông Việt cũng cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2014 thì Việt Nam sử dụng các đồ uống có cồn tính theo độ tuổi tuyệt đối trên đầu người từ 15 tuổi trở lên là 6,6 lít/người/năm, đứng thứ 94/194 các nước thành viên WHO và đứng thứ 11 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và ở mức dưới trung bình của các nước trên toàn thế giới.

Theo VBA, cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp, năm 2012 đã có 78 cơ sở sản xuất bia có sản lượng trên 10 lít/năm. Năm 2014 sản lượng bia đạt 2.948 triệu lít.

Năm 2010, sản lượng rượu công nghiệp đạt 80 triệu lít, sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép là 32 triệu lít. Đáng lưu ý, theo ước tính hiện nay vẫn còn khoảng hơn 230 – 280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được. 

Luật sư Trương Minh Đức (Công ty Luật Basico) cho biết rượu bia là thực phẩm, là giải khát, là thức uống. Tác hại cũng có mà mặt lợi cũng có nên nếu ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia thì xem chừng coi rượu bia ngang với ma túy.

Theo Luật sư Đức, Bộ Y tế đã công bố có 85 văn bản liên quan tới quản lý rượu bia và rượu bia có thể nói là một trong lĩnh vực kinh doanh có nhiều quy định nhất hiện nay. Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn, Luật an toàn thực phẩm, Luật quảng cáo, Luật đầu tư, Luật hình sự… đều có chế tài đối với rượu bia. Ngoài ra, để kinh doanh bia rượu cung phải chịu hàng chục các loại giấy phép khác nhau. Phải có giấy phép sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn, dán tem….và cấm quảng cáo rượu dưới mọi hình thức. Đặc biệt, mới đây Bộ Y tế còn đề xuất cấm bán trong quán caraoke là những khó khăn cho lĩnh vực kinh doanh này.  

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, không cần thiết phải có thêm Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vì đã có đầy đủ các quy định của Pháp luật về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo lý giải về việc cần có Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, cơ quan đề xuất cho rằng có 4 lý do: Thực trạng sử dụng sản xuất kinh doanh rượu bia trong thời gian qua có tốc độ gia tăng nhanh, trong khi mức tăng trưởng chung trên toàn thế giới giảm. Mức tiêu thụ rượu của Việt Nam hiện cao hơn mức bình quân của thế giới. Đối tượng sử dụng rượu cũng rất đa dạng. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia của Việt Nam có tốc độ tăng nhanh hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hiện Việt Nam là quốc gia tiêu thụ rượu bia thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 Châu Á và thứ 29 trên thế giới.

 TS Phan Thị Kim – Chủ tịch Hội KHKT An toàn Thực phẩm Việt Nam cho biết: “Tôi đã dự 6 Hội thảo về vấn đề này, quan điểm của tôi là bác sĩ luôn quan tâm tới sức khỏe đầu tiên. Tuy nhiên, theo tôi nên dùng tên là Luật kiểm soát rượu bia và đồ uống có cồn thay cho tên Dự thảo là phòng chống tác hại của rượu bia. Tôi đã nghiên cứu ở rất nhiều nước, ngay ở Mỹ họ cũng nghiên cứu rất kỹ, nếu rượu bia chỉ có hại thì sao lại tồn tại tới ngày nay”, bà Kim nói.

Theo bà Kim, hiện nay, các nước đưa ra giới hạn sử dụng tối đa bao nhiêu rượu bia là chấp nhận được. Theo đó, ở Úc đưa ra 2-4 cốc bia/ngày, Nhật Bản cũng 2-4, Hà Lan  khoảng 4 cốc bia; Newzelan, 4-6, Thủy Điển 4, Mỹ đối với nữ 3 cốc, nam 4 cốc bia/ngày…

Bà Kim cũng cho rằng, nên kiểm soát rượu bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, không nên tăng thuế mãi vì tăng thuế sẽ làm cho rượu, bia lậu xâm nhập vào Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem