Được chăm sóc, cây xoài 300 tuổi... "hấp hối"

Thứ sáu, ngày 19/08/2011 06:12 AM (GMT+7)
Dân địa phương nói rằng, từ trước tới giờ cây xoài này bị bỏ rơi, không ai quan tâm tới… thì cây sống rất khỏe, cho trái đều. Nhưng rồi kể từ lúc có bàn tay chăm sóc của con người, cây xoài bắt đầu "lâm bệnh" và nguy cơ bị chết.
Bình luận 0

 

img

Nhiều du khách thích chụp ảnh bên gốc xoài 300 tuổi. Ảnh: Ngọc Tùng

Ở ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) chừng hơn chục cây số hiện còn tồn tại cây xoài to lớn. Dù không ai làm chủ hay nắm rõ lai lịch, nhưng cây xoài được cho đã trên 300 năm tuổi.

Dù chưa chính thức nằm trong bản đồ du lịch địa phương nhưng gốc xoài này cũng đã lôi cuốn khá đông du khách trong và ngoài nước. Vì hiếu kỳ, nhiều người muốn đến đây để được thấy tận mắt và sờ tận tay cây xoài đặc biệt hiếm này. Có người muốn đến chụp ảnh bên gốc xoài để được thừa hưởng tuổi thọ cao. Cũng không ít người đến đây với nhang đèn cầu khấn…

Do cây đứng trên bãi đất mênh mông cạnh một khu nhị tì của người gốc Hoa nên không ai nhận là chủ của cây xoài. Cây có chiều cao ước khoảng 15 – 20 mét. Điều thú vị là phần rễ quanh gốc xoài hình thành những khối u, nhô lên khỏi mặt đất trông rất lạ mắt. Người dân địa phương luôn tự hào rằng, đây là cây xoài độc nhất vô nhị ở miền Tây. Với những nét độc đáo riêng, cây xoài 300 tuổi trở thành tài nguyên phục vụ ngành du lịch nhiều năm qua và đó cũng chính là nguyên cớ để người ta quan tâm - hơn mức có thể chịu đựng, đến cây xoài cổ thụ này.

Ba năm trước, một sáng kiến nhằm tạo nét mỹ quan và đảm bảo vệ sinh hơn cho khu vực quanh gốc xoài được đưa ra. Tháng 4.2009, sáng kiến này được thực hiện. Khu vực quanh gốc xoài được địa phương đầu tư lót gạch (loại gạch xi măng thường dùng trong thi công vỉa hè), hình thành một khoảng sân cao ráo hình vành khăn bao quanh gốc xoài.

Quanh mặt sân còn bố trí nhiều ghế đá để du khách có thể tạm nghỉ chân. Kể từ đó, sự sống của các loài thực vật quanh gốc và dưới tán cây xoài tuyệt nhiên không còn cơ hội xum xuê quanh gốc xoài nữa bởi chúng không thể vượt qua nổi lớp hỗn hợp gạch, cát, đá, xi măng… có bề dày cả 5 – 6 tấc cao so mặt đất tự nhiên.

Niềm vui chẳng trọn khi chưa đầy một năm sau - tính từ khi công trình này hoàn thành, cây xoài bắt đầu có dấu hiệu vàng úa, khô héo dần ở một số nhánh lá. Người ta càng tá hỏa ra khi thấy 1/3 số rễ của cây xoài (phần nhìn thấy trên mặt đất) đã chết và bắt đầu bong tróc lớp vỏ khô.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một phần của thân cây. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan tiếp nhận công việc cấp cứu và quản lý, chăm sóc cây xoài trong thời kỳ cây bị bệnh. Người ta đã cho quét vôi diệt côn trùng trên thân, đồng thời bón phân, thêm dinh dưỡng cho rễ xoài theo đường vòng quanh phía bên ngoài đường chu vi của phần sân bao quanh gốc.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, cách làm này khó có thể cải thiện được sức khỏe cho cây, khi phần rễ của cây đang bị ức chế hoạt động bởi một mảng vật liệu rắn to tướng đè nặng, che phủ kín mít xung quanh gốc.

Có ý kiến yêu cầu phá bỏ tất cả các phần xi măng, gạch, đá… tai hại kia đi, tạo mặt thoáng cho cả bộ rễ cây xoài. Chính những thứ đó đã làm cho cây xoài đang khỏe mạnh trở nên bệnh hoạn.

Theo SGTT

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem