Giá điện tăng 6% từ 1.12: Lo ngại tăng chi phí sản xuất

Phi Long Chủ nhật, ngày 03/12/2017 06:20 AM (GMT+7)
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc đưa ra quyết định tăng giá điện thêm 6% của Bộ Công Thương chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Bình luận 0

Nông dân sẽ chịu thêm tác động

Sáng 30.11, trao đổi với NTNN sau thông tin tăng giá điện lên 6% từ 1.12, bà Nguyễn Thị Luyện ở xã Ngọc Thiện (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết: Chắc chắn sẽ tác động tới hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. “Trang trại tổng hợp của gia đình tôi thời gian qua mỗi tháng cũng phải trả hơn 30 triệu tiền điện, chiếm khoảng 16% chi phí sản xuất. Tính trung bình, tiền điện cũng chiếm một khoản khá lớn của hoạt động chăn nuôi, nhất là vào mùa đông, những ngày lạnh các lò ấp trứng và úm gà sẽ phải dùng nhiều điện hơn. Hiện giá lợn, giá gà vừa trải qua một đợt khủng hoảng, người dân mong muốn “gỡ gạc” lại vào dịp tết thì giá điện lại tăng, chắc chắn sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất” - bà Luyện cho biết.

img

Trang trại quy mô lớn, sử dụng nhiều điện ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: NHƯ QUỲNH

Theo ông Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Công ty CP May Thúy Đạt (tỉnh Nam Định), việc tăng giá điện cũng sẽ có tác động tới sản xuất kinh doanh, nhất là trong thời điểm  lương và bảo hiểm cũng phải tăng như thời điểm hiện nay. Tất cả các khoản này đối với doanh nghiệp cũng sẽ được hạch toán vào giá thành sản xuất.

Trước đó, ngày 30.11, Bộ Công Thương ban hành quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).

Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, ngày 7.4.2014, của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ. Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được chia làm 6 bậc thang. Bậc 1 từ 0-50 kWh cho tới bậc 6 từ 401 kWh trở lên, tương ứng 2.735,83 đồng/KWh. Nếu so với giá bán lẻ điện sinh hoạt áp dụng từ ngày 16.3.2015 đến trước ngày 1.12, các hộ tiêu thụ điện theo các bậc sẽ phải trả tăng thêm tương ứng tối đa 4.900 đồng/tháng (bậc 1), 9.950 đồng/tháng (bậc 2), 20.550 đồng/tháng (bậc 3), 33.750 đồng/tháng (bậc 4), 48.350 đồng/tháng (bậc 5). Hộ tiêu dùng bậc 6 phải tăng chi theo lũy tiến.

Đối với nhóm sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng chịu mức tăng giá đáng kể. Trong đố, với giá điện sản xuất,  cấp điện áp 110KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ tăng từ 2.459 lên 2.580 đồng/kWh. Cấp điện áp 22 đến 110KV trở lên giá tăng từ 2.556 lên 2.684 đồng/kWh và ở cấp điện áp từ 6 đến dưới 22KV giá tăng từ 2.637 lên 2.770 đồng/kWh.

Điện cho kinh doanh, mức giá cũng được tăng mạnh hơn, như cấp điện áp 22KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ phải trả tiền điện 3.957 đồng/kWh; cấp điện áp từ 6 đến dưới 22KV có giá 4.095 đồng/kWh và dưới 6 KV có giá 4.267 đồng/kWh.

   Việc tăng giá điện là cần thiết để bảo đảm nguồn thu ngân sách. Nhưng điều quan trọng nhất là khi tăng giá phải quan tâm tới người nông dân và người nghèo để tránh tác động tới các đối tượng dễ tổn thương này”.

TS Lưu Bích Hồ

Thời điểm tăng không thể kìm hãm?

Trao đổi với NTNN,  TS Lưu Bích Hồ -chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KHĐT) cho rằng: Việc kìm hãm tăng giá điện trong năm 2016 nhằm mục tiêu tạo ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Bởi điện là đầu vào của hầu như tất cả các thành phần kinh tế nên việc tăng giá điện chắc chắn sẽ tác động tới sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Theo TS Lưu Bích Hồ, việc tăng giá điện thực tế đã nằm trong lộ trình và thời điểm hiện tại chỉ số CPI vẫn đang được kiểm soát tốt nên nếu tăng vào dịp cuối năm, chỉ còn tháng 12 thì chắc chắn giá điện cũng không ảnh hưởng lớn tới chỉ số CPI cả năm. “Tăng trưởng kinh tế dự kiến có thể đạt mục tiêu 6,7%, CPI cũng có thể kiểm soát được ở mục tiêu đề ra nhưng thu ngân sách thì lại rất khó khăn. Theo thống kê, 10 tháng mới đạt 71%, khả năng khó thu được đúng theo dự toán. Do đó, việc tăng giá điện là cần thiết để bảo đảm nguồn thu ngân sách. Nhưng điều quan trọng nhất là khi tăng giá phải quan tâm tới người nông dân và người nghèo để tránh tác động tới các đối tượng dễ tổn thương này” - TS Hồ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem