“Gia đình” lính thông tin

Chủ nhật, ngày 27/05/2012 20:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến thăm 16 trạm thông tin của Lữ đoàn 134 (Binh chủng Thông tin liên lạc) suốt chiều dài gần 1.000km dọc miền Trung, nơi đâu chúng tôi cũng gặp những câu chuyện cảm động của tình đồng đội, tình quân dân cá nước...
Bình luận 0

Giúp dân sản xuất

Đại tá Lê Tiến Phú - Chính ủy Lữ đoàn 134 khái quát về nhiệm vụ của đơn vị là bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn các quân khu 1,2,3,4 và một phần Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Lữ đoàn có 48 điểm trạm thông tin đóng quân ở 46 xã, phường của 22 tỉnh miền Bắc và miền Trung. Các trạm vừa có nhiệm vụ bảo vệ đường dây vừa quản lý vận hành máy thu, khuếch đại và phát tín hiệu.

img
Chiến sĩ Trạm Thông tin Q8 giúp dân thôn 8, xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình khai thác gỗ.

Đa số các trạm đều nằm song song với đường dây điện Bắc - Nam 500kV, chủ yếu thuộc các xã miền núi, địa hình khó khăn, hiểm trở, nên quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương là một yêu cầu không thể thiếu đối với các trạm thông tin, qua đó quân và dân cùng bảo vệ tuyến cáp. Để tìm hiểu điều anh Phú nói, chúng tôi theo xe của Lữ đoàn 134 vào miền Trung.

Đoàn công tác tới Trạm Q8 đúng vào ngày cán bộ, chiến sĩ của trạm đang giúp dân thôn 8, xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thu hoạch ớt và làm cỏ lúa. Dưới trời nắng gắt, trên ruộng ớt nhà ông Nguyễn Tất Thanh, những người lính thông tin cùng người dân địa phương xếp thành hàng ngang ngắt quả ớt chín bỏ vào các bao tải.

Tới gần hạ sĩ Vũ Đức Lập, thấy mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt anh và thấm xuống cổ áo ướt đẫm. Qua câu chuyện với Lập và những người dân ở đây, chúng tôi được biết, quả ớt chín rất nhanh, nếu không thu hoạch kịp sẽ rụng xuống gốc, bởi vậy đến mùa ớt, cán bộ, chiến sĩ Trạm Q8 luôn bố trí thời gian hợp lý để vừa đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn, vừa giúp được người dân thu hoạch.

Cùng thời điểm đó, ở bên ruộng lúa nhà anh Trần Mạnh Đệ, hạ sĩ Đỗ Đức Hà (quê Ba Vì, Hà Nội) quần xắn cao làm cỏ lúa cùng các bạn chi đoàn thôn 8 như một nông dân thực thụ. Vì ruộng lúa gần bờ mương nên Đệ kiêm luôn việc bắc nước vào ruộng. Các bạn chi đoàn kết nghĩa cứ tấm tắc khen chàng trai Hà Nội việc gì cũng biết làm, khiến Đệ đỏ mặt. Đệ nói với chúng tôi rất nhỏ nhẹ: “Làm nhiều thành quen anh ạ, đi giúp dân, em thấy rất vui”.

Bộ đội là con, em của thôn

Trong lúc lao động, các đoàn viên chi đoàn thôn 8 còn kể chuyện hạ sĩ Phạm Văn Thành đã cứu ông Trần Đình Khiển (60 tuổi, ở thôn Chợ Gỗ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) ly kỳ như tiểu thuyết. Chuyện là trong lúc đi tuần, Thành thấy một người nằm ngang đường ray tàu hỏa, lúc ấy tàu đang tiến tới rất gần... Anh chạy như bay tới để kéo ông sang bên cạnh tránh tai nạn đáng tiếc… Chỉ đến khi ông Khiển tới UBND xã Phú Định, huyện Bố Trạch và tới đơn vị cảm ơn, mọi người mới biết chuyện.

Về việc giúp dân, thiếu úy Nguyễn Đức Cường - Trạm trưởng Trạm Q8 bộc bạch: “Chúng tôi luôn sẵn sàng khi các gia đình trong thôn có nhu cầu mà không quản ngại khó khăn, vất vả...”. Chính vì sự chân thành của cán bộ, chiến sĩ Trạm Q8 mà anh Nguyễn Văn Giang (người dân thôn 8) cho hay: “Cả thôn ai cũng coi bộ đội Q8 như người nhà”.

Câu nói của anh Giang làm chúng tôi nhớ lại lúc đến Trạm Q5, trong bữa cơm chiều hôm đó, khi hỏi về chõ xôi dừa đầy đặn, trung úy Lê Văn Ngọc - Trạm trưởng nói nhỏ vào tai tôi: “Đó là quà của người dân địa phương”. Trong bữa cơm, ông Hoàng Văn Ngọc - Trưởng thôn 2, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) phân trần: Mỗi khi trạm có khách, các gia đình trong thôn giao cho tôi toàn quyền quyết định nấu thêm cái gì đó để các chú đón khách cho chu đáo. Tôi không làm, mấy hôm nữa sinh hoạt thôn, bà con lại nhắc. Dân nghèo nhưng cái tình thì quý lắm”.

Khi đoàn chúng tôi đến huyện Cam Lộ (Quảng Trị), thật xúc động khi các thành viên trong đoàn được chứng kiến tình cảm người dân thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy dành cho cán bộ, chiến sĩ Trạm Q9. Người dân nơi đây coi các anh như một gia đình của thôn.

img
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Thông tin Q8 và người dân thôn 8, xã Phú Định thân thiết như người trong gia đình.

Ngoài việc tham gia các phong trào cùng địa phương, Trạm Q9 còn nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi suốt 4 năm qua. Đó là em Nguyễn Thị Phương - học sinh lớp 12 Trường THPT Cam Lộ và em Nguyễn Thị Hồng Phấn - học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Cam Thủy). Cha mẹ các em mất cách đây 5 năm trong một tai nạn giao thông.

Ông Đỗ Thành Lương- Trưởng thôn Cam Vũ (Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị) nói: “Nếu có quy định trạm thông tin là một gia đình, chúng tôi sẽ đề nghị xã cấp bằng chứng nhận cho “gia đình” các anh là “gia đình thông tin văn hóa”.

Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà 2 em, thiếu úy Phùng Quang Huấn - Trạm trưởng nhớ lại: Trạm đã họp và báo cáo với trên, với tổ chức chính quyền địa phương về việc nhận đỡ đầu cho 2 em học tập. Khi được các tổ chức cho phép, chúng tôi cùng thôn Cam Vũ đã tham mưu cho UBND xã Cam Thủy hỗ trợ 2 em 17 triệu đồng để tu sửa căn nhà đã dột nát. Cán bộ, chiến sĩ của trạm đã quyên góp tiền mua sách vở, đồ dùng học tập và dành mọi thời gian để dạy các em học bài, làm ruộng nương và thu hoạch hoa màu.

Khi chúng tôi hỏi về mơ ước của hai em, Phương khẳng định: “Cháu sẽ quyết tâm thi đỗ vào đại học để không phụ công của các chú bộ đội Trạm Q9”.

Suốt chiều dài gần 1.000km dọc miền Trung, chúng tôi đi đến 16 trạm thông tin của Lữ đoàn 134. Nơi đâu cũng bắt gặp những câu chuyện cảm động của tình đồng đội, tình quân dân cá nước thật cao cả và thiêng liêng. Ở nơi đó những người lính thực hiện chức trách, nhiệm vụ trên tinh thần tự giác cao, được người dân địa phương quý mến coi như những hộ gia đình, những con em trong thôn, trong xóm.

Từ năm 2005 đến nay, người dân đã cung cấp cho bộ đội hàng vạn nguồn tin có giá trị, ngăn chặn kịp thời hơn 100 vụ kẻ gian đào bới, cắt trộm cáp thông tin, góp phần quan trọng để mạch máu thông tin không gián đoạn, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem