Giải bài toán nghịch lý "Kiểm lâm kiêm luôn... bảo tồn"

Thứ ba, ngày 02/10/2012 08:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lực lượng cán bộ, kiểm lâm thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nghiệp vụ; lực lượng kiểm lâm phải đảm đương cả nhiệm vụ bảo tồn và luân chuyển theo định kỳ...
Bình luận 0

Nghị định (NĐ) 117 của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng ra đời năm 2010 đã phần nào giải được bài toán mang tính cấp bách này.

Theo NĐ 117, các khu rừng đặc dụng sẽ thu về 3 đầu mối quản lý chính, trong đó có 6 vườn quốc gia trực thuộc quản lý của Bộ NNPTNT, các vườn còn lại trực thuộc UBND tỉnh quản lý; các khu bảo tồn thiên nhiên trực thuộc Sở NNPTNT. Các quy định này cơ bản giải quyết được phần nào những bất cập hiện nay tại các khu bảo tồn thiên nhiên.

img
Kiểm lâm Khu bảo tồn Pù Luông trên đường tuần tra.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc giải quyết những bất cập trong quản lý, công tác. Một trong những bất cập ở đây là lực lượng cán bộ kiểm lâm thiếu nhiều so với diện tích rừng được giao quản lý. Theo quy định, 500ha rừng đặc dụng/cán bộ, nhưng Pù Luông có gần 17.000ha cũng chỉ có 22 cán bộ kiểm lâm. Khi chưa giải quyết được vấn đề nhân lực, thì số cán bộ kiểm lâm này lại phải đảm nhiệm cả chức năng của một cán bộ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học dẫn đến hiệu quả trong công tác bảo tồn chưa cao.

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Tổ chức Giz (Đức), mặc dù trong thời gian qua, các nguồn vốn từ dự án phi chính phủ và ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực bảo tồn tại các khu rừng đặc dụng không phải là ít, tuy nhiên kết quả đem lại chưa tương xứng. NĐ 117 cũng quy định, vấn đề quản lý rừng đặc dụng đã được quy về 3 đầu mối chính, thay vì như trước đây phân cấp quản lý nhiều đầu mối và chồng chéo nhau.

Do vậy, muốn làm tốt công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, trước hết cần cơ cấu lại tổ chức. Ngoài lực lượng kiểm lâm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ, thực thi pháp luật, cần có lực lượng chuyên làm công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, phát triển cộng đồng, giáo dục môi trường và những kỹ năng mềm. Đương nhiên, lực lượng này cần được làm việc cố định tại một cơ sở, không luân chuyển như kiểm lâm.

Hiện Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã xây dựng đề án sắp xếp lại cơ cấu tổ chức với 56 cán bộ theo đề án (so với 36 cán bộ, kiểm lâm như hiện nay). Nếu như trước đây chỉ có 3 phòng chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, không cụ thể, thì bây giờ ngoài 33 cán bộ thuộc hạt kiểm lâm, khu bảo tồn này còn có 5 phòng chức năng riêng biệt như: Tổ chức hành chính, Kế hoạch tài chính, Khoa học và hợp tác quốc tế, Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng, Trung tâm cứu hộ.

Ông Đỗ Ngọc Dương – Phó Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho biết: “Khi có quy định rõ ràng về hoạt động của kiểm lâm cũng như hoạt động bảo tồn, các lực lượng này sẽ cụ thể hóa hơn, chuyên môn hóa hơn trong công tác bảo vệ, bảo tồn bền vững các khu rừng đặc dụng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem